Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thi công tuyến đường ống dẫn nước thải vào bể xử lý tại Khu công nghiệp Điện Nam, Điện Ngọc (Quảng Nam).
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Nam đã và đang ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Bức xúc vì ô nhiễm môi trường
Cách đây không lâu, hàng chục người dân ở thôn Thái Ðông, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình mang theo gậy gộc, gạch đá đến đập phá trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Huỳnh Thị Thu Thủy, làm thiệt hại hàng trăm triệu đồng, gây náo loạn và mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ðược biết, đây là trang trại chăn nuôi với gần 3.000 con lợn thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không được các cơ quan chức năng xem xét xử lý, gây bức xúc cho nhân dân.
Rất may chính quyền địa phương đã kịp thời ngăn chặn, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Trước đó, tại khu xử lý rác Tam Ðàn, thuộc phường Hòa Thuận (TP Tam Kỳ), hàng chục hộ dân dựng vật chướng ngại và ngăn cản không cho xe chở rác của Công ty Môi trường Đô thị Quảng Nam tập kết rác tại khu vực này, do tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác gây ra nhưng chưa được xử lý triệt để, làm ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt hàng trăm hộ dân trong khu vực.
Còn tại khu xử lý rác Ðại Hiệp ( Ðại Lộc), nhiều người ở hai thôn Phú Quý và Phú Mỹ bày tỏ sự lo lắng do tình trạng nước thải từ bãi rác này chảy ra cánh đồng gây ô nhiễm, nhiều loại ruồi xuất hiện trong các khu dân cư.
Anh Võ Thành, thôn Phú Quý, cho biết, trong đợt lũ cuối năm 2007, các loại chất thải từ khu xử lý rác Ðại Hiệp trôi hết ra cánh đồng Phú Mỹ, trong đó có cả chất thải y tế như ống tiêm kim. Khi cày ải, gia đình anh phải tập trung tìm kiếm thu gom hai ngày mới hết.
Tại Công ty cổ phần Fococev Quảng Nam (trước đây là nhà máy tinh bột sắn) đóng tại xã Quế Cường, huyện Quế Sơn, tình trạng gây ô nhiễm thường xuyên kéo dài do mùi hôi thối từ nguồn nước thải và chất bã sắn nhưng không được các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp xử lý dứt điểm, khiến hàng chục hộ dân sinh sống trong khu vực bức xúc gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi.
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có năm khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Riêng tại các khu công nghiệp, mỗi ngày đêm có khoảng 6.000 m3 nước thải chứa chất độc hại chảy ra ngoài các khu dân cư.
Ðiều đáng nói là hiện nay, tại các khu, cụm công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Toàn tỉnh hiện có năm khu xử lý rác, phần lớn đều quá tải nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các hạng mục.
Mối lo ngại lớn nhất hiện nay của tỉnh là việc xử lý chất thải rắn với khoảng 800-1.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt chiếm 63-65 phần trăm. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý mới chỉ đáp ứng được 40-50 phần trăm.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác các loại khoáng sản như vàng sa khoáng ở các huyện miền núi, titan ở khu vực ven biển gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục.
Việc phát triển ngành công nghiệp du lịch với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát tập trung tại một số huyện ven biển như Hội An, Ðiện Bàn, Tam Kỳ đang làm tăng áp lực về môi trường trên địa bàn.
Cần những giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam ban hành hàng loạt quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch ven biển, khu dân cư.
Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên&Môi trường phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp kiểm tra hướng dẫn các nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện đúng các quy trình xử lý nước thải, chất thải, nhất là các cơ sở thường gây ô nhiễm như nhà máy chế biến thủy sản, tinh bột sắn, bia, v.v... Thường xuyên kiểm tra và không cấp phép khai thác mới titan vùng ven biển.
Ðối với những dự án đã cấp phép khai thác cần phải chấm dứt khi hết hạn hợp đồng và phải phục hồi nguyên trạng vùng đất đã khai thác.
Ðối với các khu du lịch ven biển, tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch cùng Sở Tài nguyên&Môi trường phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.
Ðối với các dự án xây dựng khu du lịch, vui chơi giải trí có quy mô từ năm ha trở lên, dự án xây dựng khu khách sạn, nhà nghỉ quy mô từ 50 phòng trở lên phải thực hiện lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng những dự án không gây ô nhiễm môi trường.
Các nguồn lực đầu tư cho môi trường cũng được tỉnh quan tâm. Dù còn nghèo, song mỗi năm tỉnh dành gần 30 tỷ đồng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Một số khu công nghiệp thực hiện các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung như khu công nghiệp Ðiện Nam- Ðiện Ngọc, khu kinh tế mở Chu Lai.
Riêng khu công nghiệp Ðiện Nam- Ðiện Ngọc đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho toàn bộ khu công nghiệp, công suất 5.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 36 tỷ đồng, dự kiến đầu năm 2009 hoàn thành.
Tỉnh đang tiến hành quy hoạch để xây dựng các khu xử lý rác quy mô lớn, trong đó có khu xử lý rác Tam Xuân (Núi Thành) với diện tích 20 ha, tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên&Môi trường cũng đã phê duyệt danh mục ba dự án trình diễn cải thiện môi trường thuộc hợp phần kiểm soát môi trường ô nhiễm tại các khu vực đông dân cư nghèo và đang được triển khai trên địa bàn, trong đó có dự án cải thiện điều kiện môi trường chợ Bà Rén (Quế Sơn), dự án thu gom, xử lý nước thải tại cụm công nghiệp và khu giết mổ gia súc tập trung ở phường Trường Xuân (Tam Kỳ), dự án xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn tại khu vực đảo Cù Lao Chàm (Hội An).
Sở Tài nguyên&Môi trường lập nhiều đoàn thanh tra, thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ; nhất là tại các điểm nóng về gây ô nhiễm môi trường.
Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Quảng Nam, cho biết trong năm 2007, Sở đã kiểm tra bốn đơn vị và bảy cơ sở sản xuất thuộc các lĩnh vực chế biến thủy sản, khai thác khoáng sản. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm về bảo vệ môi trường và xử phạt gần 40 triệu đồng.
Riêng đối với Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thủy sản Quảng Nam tại khu công nghiệp Tam Hiệp (Núi Thành) đã bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường và xử phạt 27 triệu đồng; đồng thời phải dừng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định.
Năm 2008, Sở Tài nguyên&Môi trường có kế hoạch thanh tra hơn 70 đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất thường gây ô nhiễm như chế biến thủy sản, khai thác khoáng sản.
Bằng sự nỗ lực cùng với những biện pháp quyết liệt, tin rằng tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Quảng Nam sẽ được khắc phục một bước.
Nhưng, vẫn còn chậm và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình hình ô nhiễm nguồn nước tại các khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác tại các khu dân cư vẫn là mối lo và gây bức xúc cho nhân dân.
Công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài chưa được giải quyết kịp thời và triệt để. Tình trạng gây ô nhiễm tại Công ty Cổ phần Fococev mặc dù được nhân dân nhiều lần phản ảnh nhưng đến nay chưa xử lý dứt điểm.
Công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị khai thác khoáng sản vi phạm về bảo vệ môi trường còn thiếu sự phối hợp và xử lý chưa kiên quyết, thậm chí có nơi còn thả nổi.
Quảng Nam là địa bàn rộng, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường, do vậy việc khắc phục tình trạng ô nhiễm cần thực hiện kiên quyết, kịp thời và đồng bộ.
Tỉnh cần xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Trước mắt, các cơ quan chức năng phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp và nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Sử dụng các biện pháp chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp, gia đình không chấp hành đúng các nội dung đã cam kết bảo vệ môi trường.
Cần có kế hoạch quy hoạch, xây dựng các khu xử lý rác một cách đồng bộ và hoàn chỉnh, bảo đảm đạt tiêu chuẩn về môi trường; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng các công trình xử lý môi trường cũng như trang thiết bị phục vụ kiểm tra bảo vệ môi trường.
Tiến hành xây dựng nhanh các nhà máy xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp. Sở Tài nguyên&Môi trường phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
(Theo ND)