Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một con đường ngập nước ở Phuket - Ảnh: The Nation |
Theo báo Bangkok Post, cảnh sát Thái Lan đã cảnh báo về 21 điểm ngập mới ở Bangkok. “Người đi đường cần tránh những con đường dễ ngập để đề phòng tai nạn” - người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia thông báo. Chính quyền thủ đô cho biết sau những trận mưa ngày 26-9, khoảng 30 con đường trong thành phố bị ngập nặng, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Trước đó, Ủy ban Chính sách quản lý nước và lũ lụt quốc gia cho biết mưa lớn còn tiếp tục đổ xuống Bangkok từ nay đến ngày 1-10. Cơ quan khí tượng khẳng định các vùng trũng ở thủ đô chắc chắn tiếp tục bị ngập nặng.
Nước lũ khắp nơi
Theo Cơ quan khí tượng, lượng mưa đổ xuống Bangkok trong tháng 9-2012 cao nhất trong vòng 50 năm qua. Trong chiều 25-9, lượng nước mưa đổ xuống thủ đô lên tới mức 138mm/giờ trong khi hệ thống thoát nước thành phố chỉ đủ sức xử lý 60mm/giờ. Ông Phiphat Rueangngam mô tả tốc độ tháo nước này là “không quá tệ, chỉ chậm thôi”!
“Chúng tôi mong người dân hãy kiên nhẫn và thông cảm” - phó thị trưởng Bangkok Wallop Suwande kêu gọi. Nhưng khả năng chịu đựng của người dân Bangkok có giới hạn!
Ngoài thủ đô Bangkok, hàng loạt thành phố, thị trấn ở miền trung và miền nam Thái Lan cũng rơi vào cảnh ngập lụt. Tại nhiều con đường ở thị trấn Phuket, nước ngập 50-100cm, và người dân phải tự cứu lấy mình bằng cách huy động bao cát để chắn lũ. Cơ quan khí tượng ở Songkhla lên tiếng kêu gọi người dân đề phòng nguy cơ lở đất do lũ lụt. Lở đất đã xảy ra ở Chiang Mai và thành phố Phitsanulok. Ở tỉnh Ranon, 84 làng được cảnh báo về nguy cơ lũ quét và lở đất.
Ông Sanya Sheenimit, giám đốc Cơ quan Thoát nước của chính quyền Bangkok (BMA), nhận định chính quyền và người dân thủ đô cũng như các khu vực cần chuẩn bị đối phó với nguy cơ lũ lụt lớn như năm ngoái.
Người dân một số vùng nông thôn, do vẫn còn bị ám ảnh với thảm họa lũ lụt năm ngoái, đã đổ xô đến chùa cầu khẩn thần linh ra tay ngăn chặn nước lũ. Theo giáo sư kinh tế Somprawin Manprasert thuộc Đại học Chulalongkorn, hiện tượng này cho thấy người dân đã mất niềm tin vào chính phủ sau thảm họa năm ngoái.
Thảm họa lũ lụt 2011 đã để lại những con số khủng khiếp: cướp đi sinh mạng của 815 người Thái, ảnh hưởng đến 13,6 triệu người, gây thiệt hại kinh tế 45,7 tỉ USD, lấy đi 3,7% GDP của Thái Lan, phá hủy hơn 20.000km2 đất nông nghiệp. Hàng loạt khu công nghiệp ở Thái Lan bị đóng cửa do nước lũ, làm gián đoạn dây chuyền sản xuất ôtô, hàng điện tử châu Á, ảnh hưởng kéo dài qua tận năm 2012.
Chống lũ yếu kém
Theo Wall Street Journal, kể từ sau thảm họa lũ lụt 2011, chính quyền Thái Lan đã đầu tư 11 tỉ USD để nạo vét các con kênh, phát triển hệ thống đê điều chống lũ. Nhà chức trách còn bắt tay vào xây dựng một bức tường chống lũ dài hơn 320km dọc sông Chao Phraya, chạy dọc phía nam từ các vùng công nghiệp lớn tới thủ đô Bangkok và xuống vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, cứ mưa lớn đổ xuống là Bangkok và nhiều khu vực khác vẫn ngập nặng.
Bộ trưởng khoa học Plodprasob Surassawadee, kiêm chủ tịch Ủy ban Quản lý nước và lũ, đã chỉ trích BMA dữ dội vì không thể kiểm soát tình trạng nước ngập. “Nhà chức trách thành phố cần phải nạo vét các kênh đào và đường ống thoát nước một cách khẩn cấp, đồng thời cải thiện hệ thống thoát nước” - Bộ trưởng Plodprasob nhấn mạnh.
Nhiều quan chức khác cũng cho rằng việc Bangkok bị ngập là do chính quyền thành phố chưa hoàn thành việc nạo vét hệ thống cống thoát nước. Ngày 20-7, BMA tuyên bố hoàn thành nạo vét 85% hệ thống cống, nhưng cũng ngay trong ngày đó Bộ trưởng thông tin Anudith Nakornthap bức xúc đặt vấn đề: “Chính quyền thủ đô có ngân sách 1,96 tỉ baht (hơn 63 triệu USD) cho công việc này, tại sao lại không hoàn thành?”.
Ngay tại những khu vực của thành phố mà BMA khẳng định đã nạo vét xong thì mới đây cảnh sát Bangkok lại phát hiện rất nhiều bao cát được sử dụng trong đợt lũ năm ngoái vẫn đang nằm kẹt trong nhiều cống rãnh và ống thoát nước.