(Tin Môi Trường) - Mặc dù Bộ Y tế đã có lệnh cấm từ năm 2008, các bác sĩ khám, chữa bệnh không được kê thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cho bệnh nhân, nhưng tại một số bệnh viện, bệnh nhân vẫn được bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc.
Mặc dù Bộ Y tế đã có lệnh cấm từ năm 2008, các bác sĩ tại tất cả các bệnh viện lớn, các phòng khám, các trung tâm khám, chữa bệnh không được kê thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cho bệnh nhân. Nhưng tại bệnh viện Sanh Pôn, bệnh nhân vẫn được bác sĩ kê thêm "hàng cấm" vào đơn thuốc.
Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Văn H. bị sốt tới ngày thứ hai, khi đi khám bác sĩ kê thêm 14 viên Singlu với giá 37.500 đồng/viên. Khiến đơn thuốc này tăng lên 525.000 đồng so với thực tế thuốc bệnh chỉ là 88.000 đồng.
Singlu được chia nhóm thuộc các sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường, hỗ trợ miễn dịch, không phải là thuốc và không có khả năng thay thế thuốc chữa bệnh.
|
Bệnh nhân được kê thêm "hàng cấm" vào đơn thuốc |
Trước đó đoàn thành tra của Bộ Y tế cũng đã kiểm tra và phát hiện sai phạm tại bệnh viện này khi cũng kê cùng loại thực phẩm chức năng cho bệnh nhân với đơn thuốc bị đẩy giá lên tới 1.368.000 đồng trong khi đó thực tế tiền thuốc của bệnh nhân này chỉ là 243.000 đồng.
Lỏng quản lý
Chưa khi nào thị trường thực phẩm chức năng lại lộn xộn, thật giả lẫn lộn, nhiều chủng loại và yêu cầu cần có sự quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng như bây giờ. Nhiều công ty kinh doanh, sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này đã đánh bóng và thổi phồng công dụng cũng như chức năng của thực phẩm chức năng thành "thần dược", đặc biệt là điều trị các loại bệnh như: nhạy cảm sinh lý, tiền mãn kinh, lão hóa, yếu sinh lý, tiểu đường, giảm cân... thậm chí có thể chữa trị được cả ung thư để đánh lừa người tiêu dùng.
Cũng chính bởi loại sản phẩm này được gắn cho hai chữ "thực phẩm" nên có lẽ nó được bày bán công khai, phổ biến, dễ mua không cần kê đơn và đặc biệt hơn, nó được bày bán ở khắp nơi từ siêu thị tới nhà thuốc.
|
Tràn lan các loại thực phẩm chức năng trên thị trường. |
Dạo một vòng qua chợ thuốc Ngọc Khánh, không khó để hỏi và mua được tất cả các loại thực phẩm chức năng từ chữa bệnh thấp khớp, tiểu đường tới giảm cân dành cho các bà, các chị. Ghé vào hiệu thuốc số 1 địa chỉ 126-128 Ngọc Khánh, khi PV hỏi mua thuốc giảm cân hiệu Lishou thì nhân viên tại nhà thuốc đưa ra ngay loại 120 viên với giá 600 nghìn, theo người bán hàng, đây là loại thuốc giảm cân được chị, em tin dùng nhất, bên cạnh đó người bán hàng còn giới thiệu loại sản phẩm có chức năng tương tự nhưng số lượng ít hơn. Hộp chứa 40 viên với giá bán 300 nghìn. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, loại thực phẩm chức năng này Cục quản lý dược - Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành từ T4/2011.
Theo Ths Lê Văn Giang - Cục phó Cục ATVSTP cho biết: "Thực phẩm chức năng Lishou 40 viên, 60 viên trên thị trường hiện nay là hàng nhái, hàng giả, người tiêu dùng không nên mua loại sản phẩm này, Bộ y tế cũng đã đình chỉ lưu hành loại sản phẩm này trên thị trường".
Theo quan sát của PV, hầu hết các nhà thuốc tại chợ thuốc Ngọc Khánh đều vẫn đang bán cho khách hàng loại thực phẩm chức năng này mà không kèm theo một khuyến cáo nào. Bởi Lishou là thực phẩm chức năng có chứa chất sibutramine-chất gây ức chế thần kinh trung ương, làm người uống có cảm giác no, chán ăn. Chất này đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp. Nếu dùng liều cao sẽ gây rối loạn nhịp tim, rối loạn hệ thống tim mạch.
Ngoài ra, PV còn được người bán hàng tích cực tư vấn sử dụng những thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực và cải thiện khả năng sinh lý như thể đó là những biệt dược.
Theo thống kê của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu năm 2000, thị trường trong nước chỉ có 60 sản phẩm thực phẩm chức năng do 15 cơ sở nhập khẩu thì đến đầu năm 2012, số thực phẩm chức năng đã lên đến hơn 3.700 sản phẩm với trên 1.600 cơ sở nhập khẩu, sản xuất.
Quy trình để một sản phẩm thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường lại hoàn toàn không khó khăn gì. Nhà sản xuất chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp phép tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, trong khi nếu đăng ký sản xuất thuốc, doanh nghiệp phải có hồ sơ chặt chẽ, cơ quan cấp phép thẩm định khắt khe.
Nhiều nhà quản lý cho rằng, các nguyên nhân chính khiến thị trường thực phẩm chức năng có nhiều lộn xộn là do cơ quan chức năng cấp phép không đúng, cơ quan truyền thông không thẩm định chặt nội dung khi cho đăng quảng cáo và người tiêu dùng thiếu kiến thức.
TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan quản lý thực phẩm chức năng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất khi để lọt, lưu hành những sản phẩm không đúng công dụng, chức năng và thiếu chặt chẽ trong việc "hậu kiểm" những sản phẩm đã được cấp phép.
Là người tiêu dùng thông thái
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng là sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, họ chưa có thông tin, những khuyến cáo chính thức của các cơ quan chức năng về công dụng và việc sử dụng thực phẩm chức năng như thế nào cho đúng, cho hiệu quả, cho phù hợp với sức khỏe, thể lực của người Việt Nam. Tất cả sự lựa chọn đều dựa trên cảm tính, rỉ tai và truyền miệng.
Không phủ nhận hoàn toàn công dụng của thực phẩm chức năng về mặt hỗ trợ điều trị bệnh và bổ dưỡng, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ công dụng, liều dùng, cách dùng, tên nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và đặc biệt xem có phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của mình hay không.
Khái niệm "thực phẩm chức năng" (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 80 thế kỷ trước để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khỏe cho người sử dụng. Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life Science Institute - ILSI) thì "thực phẩm chức năng là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại".
Thực phẩm chức năng có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc đồ ăn thức uống trong quá trình chế biến, được bổ sung thêm các chất "chức năng". Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng "là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh". Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi như "thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung", "thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "sản phẩm dinh dưỡng y học".