Sau một tuần thực địa, đoàn chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã đưa ra những đánh giá sơ bộ, kết thúc chuyến thẩm định hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Ấn tượng với Cát Tiên
Đợt thẩm định “một tuần mà ngỡ như một tháng” vì cả “núi” công việc không khiến đoàn chuyên gia của IUCN mệt mỏi mà ngược lại, họ tỏ ra khá thích thú. TS Tobias Garstecki, chuyên gia của IUCN, cho biết đã được “mắt thấy tai nghe” tại VQG Cát Tiên các loài thú lớn, hệ động - thực vật phong phú, quý hiếm và đặc biệt là rất nhiều loài đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới. Nhiều vùng đất khác nhau với đặc điểm tự nhiên khác nhau đã tạo thành một VQG Cát Tiên muôn màu muôn vẻ: vừa có hệ sinh thái nhiệt đới vừa có vùng đầm lầy, ngập nước…
Chỉ trong vài năm gần đây, các chuyên gia của Nga làm việc với VQG Cát Tiên đã phát hiện hơn 20 loài bò sát mới, điều đó cho thấy tính đa dạng và tiềm năng của Cát Tiên, “VQG Cát Tiên thực sự rất giàu có và phong phú!” - TS Tobias đánh giá.
Một ấn tượng tốt đẹp khác về Cát Tiên là tính nguyên vẹn, chưa bị nhiều tác động từ bên ngoài. “Chúng tôi đã thấy khá nhiều loài thú trong vùng lõi và vùng đệm, chúng không có dấu hiệu săn bắn, chứng tỏ Việt Nam đã quản lý rất tốt” - TS Tobias nhận xét.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết để có được kết quả này, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế đã triển khai rất nhiều dự án để giữ rừng, không chỉ các dự án về bảo tồn loài mà còn di dời người dân ra khỏi VQG và giúp họ ổn định cuộc sống… Các chuyên gia IUCN cho rằng những nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ hiện trạng, tránh các tác động cho VQG Cát Tiên là rất đáng ghi nhận và nên đưa các nỗ lực này vào hồ sơ đề cử.
Số liệu không nhất quán
Với cảm tình dành cho thiên nhiên VQG Cát Tiên, các chuyên gia của IUCN đã không ngần ngại chỉ ra những “lỗ hổng” trong hồ sơ đề cử của Việt Nam. Đơn cử, hồ sơ cho biết có chương trình giám sát một số loài mang tính “chìa khóa” nhưng khi làm việc, đoàn không có những thông tin hoạt động giám sát này. Hay như việc tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu nhưng chưa đưa ra được những đối tượng so sánh để thấy Cát Tiên nổi bật ra sao. Các chuyên gia gợi ý: Việt Nam nên so sánh với 3 - 4 nơi đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và 3 - 4 nơi có cùng điều kiện vị trí, tự nhiên nhưng chưa được công nhận.
Trước mắt, đoàn thẩm định đã tập hợp một bảng câu hỏi về những vấn đề chưa rõ (diện tích khu vực đề cử, quá trình giám sát các loài có tính chất “chìa khóa”, so sánh để làm nổi bật giá trị toàn cầu…) và sẽ chuyển cho Việt Nam. Theo lộ trình dự kiến, những câu hỏi này phải được Việt Nam, giải thích, bổ sung cho IUCN trong tháng 12. Đến ngày 31-1- 2013, IUCN sẽ thảo luận về hồ sơ của VQG Cát Tiên cũng như kết quả chuyến khảo sát và đến tháng 6- 2013 sẽ trình lên UNESCO.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT... bận công tác
Những thắc mắc và các câu hỏi xoay quanh hồ sơ đề cử mà các chuyên gia IUCN đưa ra chưa được phía Việt Nam giải thích đầy đủ, ngay cả đơn vị tư vấn thực hiện hồ sơ đề cử cũng không có được lời giải thích rõ ràng hay những chứng cứ thuyết phục. Trong khi đó, một thành phần khá quan trọng cần phải tham gia trong chuyến thẩm định này là Bộ NN-PTNT, đơn vị chủ quản của VQG Cát Tiên, thì lại vắng mặt.
Trong công văn phúc đáp lời mời của tỉnh Đồng Nai, Bộ NN-PTNT cho biết “Vào thời gian trên, các đồng chí lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch công tác nên không tham dự làm việc với đoàn IUCN”. Vì thế, bộ này “trân trọng cử đồng chí giám đốc VQG Cát Tiên tham dự”. Tuy nhiên, giám đốc VQG Cát Tiên hiện nay là người mới được cử nhậm chức vài tháng nên khó có thể nắm hết vấn đề! |