Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lật lại báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: Ngỡ ngàng

(08:41:13 AM 26/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong báo cáo “Đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2”, Viện Vật lý địa cầu vào tháng 8-2005 cho rằng thủy điện này “không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường”.

 

 

Ông Nguyễn Văn Trình sống gần thủy điện Sông Tranh 2 lo lắng cho số phận gia đình mình nếu có sự cố xảy ra với đập - Ảnh: tấn Vũ

 

 

Trong khi kết luận về những trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, các chuyên gia của viện này lại cho đó là “động đất kích thích”.

 

Không gây rủi ro cho môi trường

 

 

Ông Lê Trí Tập (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):

 

Dân không thể tin được

 

Trận động đất ngày 3-9 máy gia tốc trong thân đập đo được là 81cm/s2 thì Viện Vật lý địa cầu kết luận động đất 4,2 độ Richter. Nhưng trận động đất ngày 23-9 người dân địa phương cho rằng lớn hơn các trận động đất trước đó và máy gia tốc trong thân đập Sông Tranh 2 đo được 91cm/s2 thì Viện Vật lý địa cầu lại cho rằng động đất chỉ ở cấp 4,1 độ Richter. Kết luận như vậy thì làm sao người dân tin được. Người nghe trong tư thế hoang mang sẽ còn hoang mang hơn.

Trước khi xây thủy điện Sông Tranh 2, một báo cáo đánh giá tác động môi trường dài hơn 200 trang của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do ông Trần Văn Được - phó tổng giám đốc EVN - ký được gửi đến các bộ ngành, địa phương liên quan để theo dõi. Theo báo cáo, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học và công nghệ VN là đơn vị đánh giá nguy hiểm động đất thủy điện Sông Tranh 2 do PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy - viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - chủ trì (đã nghỉ hưu). Thành viên tham gia gồm các TS Phùng Văn Phách, Vũ Văn Chinh, Lê Huy Minh cùng nhiều chuyên gia khác...

 

 

Trong bản báo cáo “Đánh giá tác động môi trường” dài hơn 200 trang này, phần đánh giá động đất khi xây dựng thủy điện cho thấy: Chấn động cực đại có thể xảy ra ở khu vực nhà máy là 5,5 độ Richter và gia tốc cực đại là 150m/s2. Chấn động này là do động đất kiến tạo phát sinh trên đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi và Trà Bồng gây ra.

 

Báo cáo còn trích dẫn tác giả Lê Trần Chấn, Viện địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, trong “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện” năm 2002 thì: Điều kiện để hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có khả năng gây động đất kích thích là: Dung tích hồ chứa phải đạt trên 1 tỉ m3 nước. Vùng hồ chứa có chiều cao cột nước tối thiểu 100m và trong điều kiện đất đá vùng hồ và khu vực lân cận bị chia cắt bởi các đứt gãy kiến tạo và phân dị mạnh. Từ những thông số đó, báo cáo đi đến kết luận: “Hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không gây khả năng động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường”.

 

Chuyên gia chưa nghiên cứu động đất kích thích

 

Trao đổi với chúng tôi chiều 25-9, TS Lê Huy Minh - phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - cho biết khi đánh giá nguy hiểm động đất thủy điện Sông Tranh 2 vào tháng 8-2005, nhiệm vụ của nhóm chuyên gia là đánh giá nguy hiểm động đất ở khu vực nên đưa ra đánh giá động đất cực đại là 5,5 độ Richter. Còn động đất kích thích có thể xảy ra hoặc không xảy ra khi hồ chứa tích nước thì cần phải nghiên cứu. Nếu xảy ra động đất kích thích, cường độ không bao giờ quá cường độ động đất cực đại. Tuy nhiên, việc xác định động đất (bao gồm cả động đất kích thích - PV) xảy ra nhiều ít, xảy ra thế nào là một vấn đề khác cần phải nghiên cứu. Ông Minh khẳng định động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 thời gian qua là do động đất kích thích.

 

Một chuyên gia trong nhóm đánh giá nguy hiểm động đất thủy điện Sông Tranh 2 thời điểm tháng 8-2005 cũng cho biết nhóm nghiên cứu này chỉ được “đặt hàng” đánh giá nguy hiểm động đất và đưa ra kết luận động đất cực đại có thể đạt 5,5 độ Richter chứ chưa có những nghiên cứu về động đất kích thích lúc đó.

 

TS Lê Huy Minh, phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, ghi nhận ý kiến người dân về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ

 

 

Nằm ngoài khả năng của tỉnh

 

 

Động đất vẫn tiếp tục

 

Hồi 2g35 sáng 25-9 đã xảy ra một trận động đất nhẹ khoảng 3 giây tại huyện Bắc Trà My, rất may không có thiệt hại gì nhiều. Sáng cùng ngày, huyện Bắc Trà My đã cấp gạo hỗ trợ của tỉnh cho người dân hai xã Trà Đốc và Trà Bui, mỗi người 30kg.

Chiều 25-9, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam Dương Chí Công cho biết là đơn vị quản lý về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, ngày ấy (năm 2006) sở được mời ra Hà Nội để tham gia trong hội đồng thẩm định về đánh giá tác động môi trường này. Một báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được gửi sở để theo dõi. Ông Công nhận định thật thà: “Khi đó mình chỉ phản biện về môi trường, môi sinh, các vấn đề xung quanh cuộc sống dân sinh như tái định cư, nhà cửa, tiếng ồn... là chính. Ai có biết động đất là gì vì đó là các khả năng chuyên sâu. Cả sở cũng không có người chuyên môn sâu về khoản đó! Làm sao biết mà phản biện”.

 

 

Ngay khi biết được thông tin về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2 do PV Tuổi Trẻ thông báo, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cười như mếu: “Giờ ai sai người ấy chịu chứ chúng tôi chẳng biết nói gì trong lúc này!”. Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cho biết: “Vấn đề sai đúng và quyết định ra sao thuộc về Chính phủ. Nhưng nếu ai báo cáo sai thì phải sửa và phải chịu trách nhiệm. Việc chuyên môn sâu nằm ngoài khả năng của tỉnh và chúng tôi cũng không muốn bình luận về chuyên môn của các nhà khoa học”.

 

Ông Lê Trí Tập, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi xem qua nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2 đã quan ngại khi cho rằng: trước đây vùng này từng xảy ra động đất kiến tạo, giờ hồ tích nước dẫn đến động đất kích thích. Nhưng khi nước trong hồ đang ở mực nước chết mà vẫn liên tục xảy ra động đất với tần suất và cường độ lớn thì các nhà khoa học phải nghiêm túc xem lại nhận định của mình. “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một đoàn vào Trà My khảo sát lòng dân hiện như thế nào để có chính sách an dân” - ông Tập nói. Ông Tập không ngần ngại khi cho rằng: “Bây giờ tôi thật sự băn khoăn là có nên tin vào các nhà khoa học hay không vì họ nói không nhất quán gì cả. Đứng trước sinh mệnh của hàng vạn người dân Quảng Nam, tôi tha thiết đề nghị các nhà khoa học hàng đầu của VN phải hết sức trung thực, phải hết sức khách quan và phải hết sức chính xác khi nhận định về những biến động địa chất ở thủy điện Sông Tranh 2”.

 

 

 

Chỉ đánh giá về môi trường

 

Ông Mai Thanh Dung, cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường), cho biết: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là một mảng trong rất nhiều mảng, lĩnh vực cần làm trước khi xây dựng thủy điện, trong đó phần đánh giá tác động về môi trường chỉ tập trung về các vấn đề liên quan đến môi trường”.

 

Theo ông Dung, khi xem xét, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do bộ thực hiện, các lĩnh vực được tập trung thẩm định là những yếu tố liên quan đến vấn đề môi trường như thu dọn vệ sinh lòng hồ, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời xem xét các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng không khí, dòng chảy, hệ sinh thái trong khu vực.

 

“Vấn đề liên quan đến đánh giá dư chấn, động đất là lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan có chuyên ngành về thiết kế, xây dựng. Những phần việc đó không liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường do bộ thẩm định, phê duyệt” - ông Dung nói.

XUÂN LONG

 

Còn gì nữa mà hi sinh!

 

173 là số phản hồi bạn đọc chỉ trong một ngày sau phát biểu của ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!” (Tuổi Trẻ ngày 25-9). Bạn đọc bày tỏ sự bức xúc về cách trả lời của ông Hải. Bạn đọc cho rằng không thể nào hiểu được đến giờ phút này ông Hải vẫn có thể đòi hỏi dân hi sinh thêm trong khi họ đã chịu đựng và hi sinh quá nhiều.

 

Những người trong cuộc cũng hết sức bức xúc khi đọc phần trả lời của ông Hải. Bà Hồ Thị Xin - thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My - phản ứng: “Tôi nghĩ ông Hải nói nhầm. Nói chúng tôi chia sẻ, còn gì nữa mà chia. Đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, mọi thứ chúng tôi giao lại cho thủy điện hết rồi. Đi đến một nơi ở mới với bao nhiêu biến cố. Giờ còn gì mà hi sinh nữa. Chỗ ở này, cái nhà này cũng sẽ sập lúc nào chưa biết. Ngày mai chúng tôi chưa biết sống thế nào, hỏi làm sao sẻ chia?”.

 

Không giấu vẻ thất vọng, bà Nguyễn Thị Huyền Thi - giáo viên Trường THPT Bắc Trà My - cho biết đã nghe đài truyền thanh huyện đọc nguyên văn bài phỏng vấn ông Hải trên báo Tuổi Trẻ. “Thất vọng là bởi cách suy nghĩ của nhà đầu tư e rằng quá đơn giản và tôi có cảm giác họ chỉ biết họ, chỉ biết bảo vệ quyền lợi của họ, còn người dân với trăm mối lo toan thì họ không đề cập. Điều người dân chúng tôi cần hơn cả là liệu khi động đất lớn hơn xảy ra thì đập thủy điện có an toàn không?” - bà Thi nói.

 

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong bày tỏ: “Tôi không đồng tình với ý kiến của ông Hải. Bao nhiêu việc xảy ra với người dân. Bao nhiêu chuyện đến với địa phương từ ngày có thủy điện, đòi hỏi người dân hi sinh gì nữa. Hi sinh cho đất nước này thì dân Bắc Trà My có tiếc gì, nhưng vì một cái thủy điện, vì một doanh nghiệp gây xáo trộn đời sống chúng tôi hỏi còn gì hi sinh nữa”.

 

 TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

(Nguồn: T.VŨ - Đ.NAM - T.PHÙNG/TTO)