Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vị hiệu trưởng nhường lương cho sinh viên nghèo

(11:01:24 AM 24/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Là người lập nên một trong những ĐH tư thục đầu tiên của cả nước, nhà giáo Huỳnh Thế Cuộc luôn được sinh viên nhắc đến với tất cả sự trân trọng, bởi tâm huyết và tình yêu của ông.

Tuổi già không làm yếu đi những mong mỏi được đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Huỳnh Thế Cuộc vẫn trăn trở về những bất cập trong ngành giáo dục và đào tạo, dù rằng tuổi của ông đã có quyền được nghỉ ngơi.

 

61 tuổi, và bắt đầu khởi nghiệp

 

Thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc bây giờ đã bước sang tuổi 81, vẫn chỉ lĩnh lương hưu nhà nước và trăn trở nhiều về những sự lạc hậu của giáo dục. Trường Đại họcNgoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) do ông sáng lập, năm nay sẽ tròn 20 tuổi. Cùng với bao thế hệ giáo viên, ông đã xây dựng nó trở thành một trung tâm đào tạo ngoại ngữ và tin học có uy tín.

 

Thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc, Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT). Ảnh: Nguyên Thi.

 

Năm 1976, thầy Huỳnh Thế Cuộc ngừng đảm nhiệm công tác ngoại giao. Ông về lại TP.HCM, trở thành trưởng khoa tiếng Pháp của Đại học Sư phạm. Những năm tháng là tùy viên báo chí và phụ trách hoạt động du học sinh đã khiến ông băn khoăn nhiều về năng lực ngoại ngữ và tin học, hai yếu tố để mở cánh cửa hội nhập với thế giới của sinh viên Việt Nam.

 

Trăn trở lớn nhất của ông là phải đào tạo được ít nhất năm ngoại ngữ cơ bản là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, những ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Quyết tâm trở thành hành động, với hi vọng và nguồn nhân lực là các thầy cô giáo ngoại ngữ từ thời trước giải phóng, năm 1992, ông Huỳnh Thế Cuộc, một thầy giáo hưu trí, bắt đầu những bước đi giáo dục mang tính đột phá của mình.

 

Ban đầu phải mượn chỗ để học, ông tâm sự, không dám nghĩ nơi đó sẽ thành đại học. Sau khi chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học, HUFLIT trở thành một trong những trường đại học tư thục đầu tiên trong cả nước. Được sự bảo trợ vô điều kiện của cụ Trần Văn Giàu, lúc ấy là chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, ông hiệu trưởng nghèo đã có được ngôi trường mình mơ ước.

 

Thầy Huỳnh Thế Cuộc và sinh viên tình nguyện HUFLIT trong lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh năm 2011. Ảnh: Đặng Sinh.

 

Những khó khăn ban đầu chỉ càng khiến tập thể thêm đoàn kết, thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc khởi đầu bằng những tiết kiệm, chắt chiu từng đồng để xây dựng ước mơ khi tuổi đã ngoài lục tuần.  Ở tuổi đáng lẽ phải nghỉ ngơi, ông hiệu trưởng hưu trí, không lương, lại bắt đầu khởi nghiệp bằng những bữa ăn trưa tự nấu tại trường cùng các thầy cô giáo đồng nghiệp.

 

Nhưng ông hiệu trưởng không lương ấy lại sẵn sàng trả mức lương cao nhất có thể để mời những người thầy cô giỏi nhất về trường để giảng dạy.

 

Với phương châm đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ và tin họccao, phục vụ kịp thời đòi hỏi của nền kinh thế thị trường trong xu hướng toàn cầu hóa. HUFLIT luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên được tiếp cận với phương pháp dạy và học hiện đại. Trường có nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm tăng tính đoàn kết, thân thiện giữa giảng viên và học viên và giữa các học viên. Tham gia các chương trình này học viên cũng hứng thú hơn với việc học tập trên lớp.

 

Thầy Huỳnh Thế Cuộc cùng sinh viên tình nguyện HUFLIT trong lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh năm 2011. Ảnh: Đặng Sinh.

 

Theo thầy Huỳnh Thế Cuộc, nước ta có rất nhiều cử nhân tốt nghiệp kết quả tốt, song mặt bằng ngoại ngữ và tin học vẫn chưa đảm bảo tốc độ hội nhập và phát triển chung của thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực có thể trực tiếp làm việc với đối tác nước ngoài bằng ngoại ngữ là điều cấp thiết hiện nay. Để thực hiện mục tiêu này, HUFLIT đã đầu tư chất lượng đào tạo tương xứng với mức học phí thu vào.

 

Cho đến nay, HUFLIT đã trở thành đơn vị đại học có uy tin trong cả nước về đào tạo tin học và ngoại ngữGiảng viên và sinh viên nhắc đến thầy giáo Huỳnh Thế Cuộc bằng tất cả sự trân trọng về một người thầy đã dồn hết tâm sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đáp lại, những hoạt động lớn của sinh viên trong trường, chẳng mấy khi lại thiếu ông.

 

"Hạnh phúc lấp đầy khi làm vơi đi nỗi đau của người khác"

 

Hiện nay nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc đã thôi chức hiệu trưởng, chỉ còn giữ chức Bí thư Đảng ủy của trường Đại học HUFLIT. Những ý tưởng nhằm vun đắp cho ngôi trường đại học ông từng mơ ước vẫn không ngừng được ông đưa ra và triển khai thực hiện. Tiền lương của ông cũng xin trích gửi lại cho hội khuyến học của trường trao tặng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

 

Với vai trò là Phó chủ tích hội nạn nhân chất độc màu da cam, ông đã tham gia nhiệt huyết với hoạt động của hội. Trung thu năm nay, ông đã xin tài trợ được 500 suất quà trung thu cho các em là nạn nhân dioxin miền Nam. “Tôi cảm thấy được lấp đầy niềm vui khi mình có thể làm vơi đi nỗi đau của người khác...” - điều này đã trở thành quan niệm sống của ông trong suốt quá trình thực hiện những chương trình từ thiện vì nạn nhân chất độc màu da cam.

 

Đối với những sinh viên mang trên mình di chứng của chất độc màu da cam, ông đã đề nghị phòng công tác sinh viên lưu ý lại để ông trực tiếp trao bằng tốt nghiệp và hướng cho các em một cái đích đến sau khi ra trường.

 

Một "người đưa đò" nhiều trăn trở. Ảnh: Đặng Sinh

 

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Thế Cuộc không có con ruột, vợ chồng ông đã nhận 2 con nuôi. Đến nay các con của ông đều thành đạt trong sự nghiệp. Ông chia sẻ, các con đi làm suốt ngày, tôi cũng thường xuyên vắng mặt vì bận nhiều công việc của trường và hoạt động xã hội. Lắm lúc tôi thương vợ ở nhà một mình, tuổi già hay dở chứng bệnh tật. Nhưng chính bà lại là người đã luôn động viên, ủng hộ mọi việc làm của ông.

 

Bà nói: “Cuộc đời mỗi người chỉ có ý nghĩa khi việc họ làm có ích cho đời”.

 

“Đến bây giờ, tôi đã hài lòng với cuộc sống riêng mình có, nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình làm được cho đời. Vẫn còn nhiều trăn trở, vẫn còn nhiều việc muốn thực hiện”, nhà giáo với mái tóc đã trắng xóa ở tuổi 81 bộc bạch. 

(Nguồn: Infonet)