Vườn quốc gia Cát Tiên đang được xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Trong ảnh: Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.L |
Các chuyên gia yêu cầu được cung cấp những thông tin đánh giá tác động về môi trường nếu triển khai DA thủy điện và nội dung về bảo vệ sông Đồng Nai trong bản tổng thể kế hoạch quản lý, bảo tồn của VQG.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai về những ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, người quản lý VQG Cát Tiên xung quanh vấn đề DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
* TS Tobias Garsteki: DA thủy điện là yếu tố bất lợi cho VQG Cát Tiên khi đề cử là DSTNTG
“Hiện chúng tôi không có khả năng đưa ra nhận xét về tác động môi trường của DA thủy điện ở khu vực này vì với tư cách là các chuyên gia, nhà khoa học, chúng tôi muốn trả lời một cách chính xác khi dựa trên nghiên cứu thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện, nhất là ở khu vực có vùng đất trũng sẽ có những tác động đến tự nhiên, như việc thoát nước, chất lượng nguồn nước… Tôi có thể đơn cử một trường hợp tương tự tại Iraq, một khu vực cũng đang trong giai đoạn đề cử để được công nhận DSTNTG. Ở gần nơi đi qua khu di sản thiên nhiên này cũng có DA thủy điện. Hội đồng xét duyệt đề cử của UNESCO đã đắn đo rất nhiều và hiện việc công nhận này vẫn còn “treo”. Chúng tôi không dám nói, trường hợp của VQG Cát Tiên cũng sẽ diễn ra như thế vì rất khó để so sánh hai bên. Trong việc xét duyệt, UNESCO cũng không nói rõ có được hay không được phép xây dựng DA thủy điện gần khu vực di sản thiên nhiên được đề cử, nhưng đây sẽ là yếu tố bất lợi khi xét duyệt hồ sơ vì nó ảnh hưởng đến giá trị của rừng, của môi trường tự nhiên”.
* Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên: Cần hội đồng khoa học độc lập nghiên cứu lại tác động môi trường của DA thủy điện
“DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang trong giai đoạn xem xét lại. Dưới góc độ người làm công tác quản lý VQG, tôi mong có một hội đồng khoa học độc lập để nghiên cứu lại việc tác động đến môi trường tự nhiên của DA thủy điện một cách đầy đủ, nghiêm túc, khoa học và hết sức khách quan để đưa ra kết luận xác đáng giúp nhà nước có quyết định đúng, chuẩn dựa trên lợi ích quốc gia. Điều này càng cần thiết trong giai đoạn VQG Cát Tiên đang đề cử công nhận là DSTNTG. Và nếu được công nhận là DSTNTG, thì theo Luật Di sản sẽ nghiêm cấm mọi tác động vào môi trường với bất cứ hình thức nào, vì lúc này đây không chỉ là tài sản của một nước mà còn là tài sản chung của cả thế giới”.
* PGS.TS Lê Xuân Cảnh: Phải tính toán lại một cách toàn diện, hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường
“Là Chủ tịch Hội đồng giám sát thi công của DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tôi có thể khẳng định việc thực hiện các DA này nằm trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (đã được duyệt) và việc ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên của VQG là hầu như không có. Song, tôi cũng công nhận khi DA triển khai cũng sẽ tác động đến môi trường và xét trên quan điểm bảo tồn, phải đánh giá lại thật chính xác những tác động này dựa trên các thẩm định khách quan và khoa học. Theo tôi, cần phải tính toán lại một cách toàn diện, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường. Nhiều quốc gia khác trên thế giới rất ít làm DA thủy điện và như quy định của Nhật Bản, những DA thủy điện phải cách xa các khu di sản thiên nhiên ít nhất là 50km”.