Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chết oan vì thích hoành tráng
Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, hiện cả nước có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.500 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Câu chuyện chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế chỉ là những ví dụ mới nhất của cả một quá trình dài di tích bị buông lỏng quản lý.
Được công nhận là di tích quốc gia, nhưng khi xuống cấp, trụ trì chùa Trăm Gian nhiều lần làm đơn xin trùng tu vẫn không có phản hồi. Không hiểu luật, lại có tiền công đức của dân, trụ trì đã tự ý sửa chùa. Còn Ban quản lý di tích thì nghĩ đây là việc của nhà chùa, nên cũng đồng tình, thậm chí còn bắc loa gọi dân giúp đỡ chùa mà không biết đang phạm luật. Tâm lý này cũng đúng với lãnh đạo xã Vĩnh Khúc (Văn Giang, Hưng Yên), nơi đình Ngu Nhuế bị hạ giải toàn bộ, dựng mới ở vị trí mới. Lãnh đạo xã này cho biết: “Xã nhận sai vì đã không kiên quyết khi người dân di dời đình, vì nghĩ đây là việc của dân và việc tâm linh”. Ngay từ đầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi đối với di tích đã lập lờ nên khi có “biến” như vụ chùa Trăm Gian thì lãnh đạo địa phương đã chối trách nhiệm.
Việc hai di tích này bị xâm hại không còn là hiện tượng gây sốc mà đó là sự nối dài của danh sách hàng loạt “thảm họa” từ việc trùng tu, tôn tạo. Ngay tại Hà Nội, nhiều di sản đã bị phá bỏ một cách thẳng thừng để dựng lên căn nhà mấy tầng rồi gọi là “chùa mới”. Một chùa mới được xếp hạng như Hội Xá (Long Biên, Hà Nội) thì người ta xây dựng áp ngay chùa ấy một căn nhà 2 tầng để chuyển lên, chùa cũ để mặc rách nát trong mưa gió. Rồi chùa Nga My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay như một chùa kiểu Trung Quốc, hay là chùa Võng Thị (Tây Hồ) sau khi trùng tu xuất hiện hàng loạt chiếu rồng, lư hương bằng đá trắng bệch.
Những điều đau lòng này đã được lý giải do các ban quản lý di tích đã huy động được khá nhiều tiền công đức, mà một khi có tiền trong tay, tâm lý thích “hoành tráng”, thích làm mới cho bền đã khiến nhiều di tích… chết oan.
Cũng xoay quanh câu chuyện này, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, có trường hợp người ta sẵn sàng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để sửa lại gác chuông có niên đại thế kỷ XVI bị hư hỏng song điều kiện đưa ra lại là phải làm bằng... bê tông cho chắc.
Trùng tu... tay ngang
Bộ VH-TT-DL từng đánh giá, hầu hết các di tích ở nước ta đều xuống cấp và có nguy cơ bị biến thành phế tích. Song mỗi lần một dự án trùng tu di tích mới được triển khai là một lần dư luận lại xôn xao cho rằng “làm mới”, “phá” di tích. Có rất nhiều căn nguyên dẫn đến việc đụng đâu hỏng đó, song một trong những vấn đề được coi là mấu chốt đối với việc trùng tu đó là đội ngũ nguồn nhân lực trong công tác trùng tu di tích đang thiếu và yếu.
Thực tế, phần lớn việc trùng tu các di tích ở nước ta vẫn do các đơn vị xây dựng cơ bản thực hiện và quan niệm coi trùng tu di tích như xây dựng cơ bản. Theo Luật Di sản sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, tổ chức, cá nhân muốn tham gia trùng tu phải có giấy phép hành nghề trùng tu di tích. Nhưng đến nay, với nhiều lý do khác nhau, việc đó chưa được thực hiện. Trên cả nước, chưa có ai được cấp giấy phép hành nghề, kể cả các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích cũng như nhiều cơ quan chuyên ngành khác.
Trong buổi họp kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích chùa Trăm Gian, rất nhiều vấn đề bất cập trong việc phân cấp quản lý di tích đã được địa phương đưa ra. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 327 di tích, trong đó có 32 di tích xếp hạng quốc gia. Năm 2011, UBND huyện được UBND TP Hà Nội phân cấp quản lý trực tiếp 32 di tích này tại Quyết định số 11/2011/ QĐ-UBND. Nhưng cho đến giờ, những người trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý tài sản quốc gia chỉ có quyền duy nhất là trông nom, nếu thấy xuống cấp thì làm đơn báo cáo lên Sở VH-TT-DL Hà Nội.
Với một quy trình hành chính vòng vèo trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới di tích bắt đầu bằng những báo cáo của Ban quản lý di tích gửi lên xã, xã báo lên huyện, huyện báo lên sở, sở báo lên bộ, bộ tìm đến các chuyên gia, rồi sau đó mới có quyết định cuối cùng. Quá trình này đôi lúc đã lấy đi tính kiên nhẫn của chính những người trông nom di tích. |
GS-TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa:
"Cần phải thay đổi nhận thức từ trên xuống dưới. Từ những cấp quản lý cao nhất, chứ không chỉ riêng với người dân. Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là những di tích “sống”"