|
Gừng, hành là gia vị cho nhiều món ăn và có tác dụng chữa bệnh. |
Hành tây: có tên khoa học là Allium cepa L., thuộc họ Alliaceae, có tác dụng kích thích, lợi tiểu, giúp phòng ngừa huyết khối, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh ngoài da... Các chuyên gia thường khuyên dùng 50 - 100g/ngày trong các bữa ăn hoặc ngâm trong nước nóng để ăn trong các trường hợp suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, đi tiểu ít, béo phì, tăng huyết áp...
Gừng: Theo Đông y, gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị, tiêu đàm, cầm nôn mửa, lợi thủy, giải độc. Gừng tươi thường dùng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), lạnh bụng, ăn uống không tiêu... hoặc giã nhuyễn để đắp chữa tụ huyết do chấn thương, đau tức hay ngâm rượu để xoa bớt tay, chân nhức mỏi.
Gừng kích thích tuần hoàn máu, lưu thông và làm tăng mạnh các chức năng cơ thể, làm dịu những bệnh về mạch máu như bệnh giãn tĩnh mạch, ngăn chặn sự tạo thành cục máu đông để ngăn ngừa chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Người bệnh tim mạch có thể dùng gừng tươi hằng ngày vào buổi sáng, trưa, tối với mỗi lần 1 lát mỏng (khoảng 2g).Tinh dầu của gừng có khả năng ức chế sự hấp thu cholesterol của cơ thể; ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh mỡ máu cao, nhiễm mỡ gan và tăng huyết áp.
Tỏi: thường được dùng tươi hay phơi khô, chủ yếu dùng thân tỏi. Trong thân tỏi ta có chứa tinh dầu cay có tính bốc hơi, ngoài tác dụng chữa lỵ amip, lỵ trực khuẩn, chữa ho, ho gà, viêm phế quản... tỏi còn chữa chứng tăng cholesterol (LDL) trong máu, giàu chất dinh dưỡng. Nó có thể thanh lọc chất mỡ tích chứa trong máu, giúp thư giãn mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu rất tốt cho người bệnh tim mạch và tăng huyết áp.