Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lo ngại 2 dự án thủy điện trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên

(09:06:37 AM 19/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Các chuyên gia IUCN hết sức quan tâm tới 2 dự án thủy điện vì nằm ngay trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên

Ngày 18-9, các chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã bắt đầu thẩm định hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Quá trình thẩm định diễn ra khá chi li và gắt gao.

 

Giá trị  nổi bật toàn cầu

 

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết việc công nhận di sản thế giới không dựa trên các tiêu chí đổ đồng kiểu đưa ra khung điểm chuẩn và đủ điểm thì đậu mà phải là các giá trị nổi bật toàn cầu. Theo ông Diện, giá trị nổi bật toàn cầu để VQG Cát Tiên ứng cử lần này là tính đa dạng sinh học với các giá trị:  Thứ nhất, đây là vùng rừng nhiệt đới nguyên trạng trên đất thấp của Việt Nam. Thứ hai, là nơi lưu giữ sinh cảnh đất ngập nước và trảng cỏ rộng lớn, là môi trường sống cho các loài động vật cỡ lớn, nhiều trong số đang bị đe dọa nguy hiểm cấp quốc gia và quốc tế. Thứ ba, là nơi  lưu giữ số lượng lớn các loài động thực vật đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương, cũng là nơi cuối cùng để bảo tồn chúng. Thứ tư, Cát Tiên được công nhận là khu Ramsar năm 2005. Cuối cùng, đứng trước áp lực của sự phát triển và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, Cát Tiên đóng vai trò quan trọng: “Cái hồ” tự nhiên lưu trữ các thành phần của đa dạng sinh học Việt Nam và thế giới. So với một số khu vực có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý tương đương thì VQG Cát Tiên có số loài khá phong phú đa dạng, ví dụ khu rừng hỗn hợp Dong Phayayan Khao Yai (Thái Lan) có 2.500 loài, VQG Gunung Mulu (Malaysia)  có 1.500 loài, rừng mưa nhiệt đới phía Tây Úc có 1.100 loài…

 

Vườn Quốc gia Cát Tiên đang được xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới . Ảnh: XUÂN CHINH

 

PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - đơn vị nghiên cứu lập hồ sơ đề cử, cho biết Việt Nam đã có 2 di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)  được công nhận dựa trên tiêu chí về địa chất, địa mạo. Riêng VQG Cát Tiên “ứng thí” dựa trên tiêu chí về đa dạng sinh học. Khu vực đề cử (45.000 ha) được bảo tồn toàn vẹn, tính thống nhất cao, với 1.610 loài, trong đó có 26 loài nguy cấp và cận nguy cấp theo IUCN (bò tót, báo gấm, khỉ mặt đỏ…), 31 loài nguy cấp nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 23 loài chỉ có ở Việt Nam.

 

Các chuyên gia chưa hài lòng

 

Các chuyên gia IUCN nhận xét việc xây dựng các đập trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến mực nước về vườn nhưng chưa thấy đề cập trong hồ sơ đề cử. Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, nguyên giám đốc VQG Cát Tiên,  cho rằng hiện các dự án đã xây dựng trên thượng nguồn sông Đồng Nai có thủy điện Đồng Nai 2, 3, 4 nhưng cách khá xa VQG Cát Tiên nên ảnh hưởng không lớn. Tỏ ra khá nắm vững tình hình, các chuyên gia IUCN hỏi thẳng vào vấn đề của 2 dự án thủy điện đang có nhiều dư luận tranh cãi, đó là thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, 2 dự án này cách VQG bao xa? PGS- TS Lê Xuân Cảnh trả lời cách vài km nhưng khi nhân viên VQG Cát Tiên chỉ trên bản đồ vị trí của 2 dự án thủy điện thì các chuyên gia tỏ ra khá lo ngại vì 2 dự án này không phải nằm cách xa mà ngay trong vùng đệm VQG Cát Tiên. Ông Mùi cho biết 2 dự án này chưa được Chính phủ phê duyệt và hiện đã giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định nên vẫn chưa rõ về những ảnh hưởng đối với VQG Cát Tiên. “Vậy trong trường hợp Chính phủ phê duyệt, 2 dự án này sẽ ảnh hưởng đến VQG và di sản thiên nhiên thế giới ra sao? Ở góc độ chuyên gia, các vị đánh giá thế nào?” - TS Tobias Garstecki, chuyên gia của IUCN,  tiếp tục “truy”. PGS-TS Cảnh cho rằng với quan điểm cá nhân, ông nhận thấy 2 dự án có ảnh hưởng đến nguồn nước nhưng tác động không lớn. Dẫu vậy, câu trả lời này vẫn không làm hài lòng các chuyên gia IUCN và họ cho rằng trong hồ sơ đề cử nên có biện pháp bảo vệ sông Đồng Nai trước những con đập.

 

Hôm nay, 19-9,  đoàn làm việc của IUCN bắt đầu thẩm định thực tế và tiếp xúc lãnh đạo địa phương, người dân trong khu vực đề cử. Kết thúc chuyến làm việc, các chuyên gia lập một bản tổng kết hồ sơ để báo cáo lên UNESCO 

(Nguồn: Thu Sương/ NLĐ)