Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghệ An - Ðào đãi vàng gây ô nhiễm môi trường

(00:04:30 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trên hai tuyến sông Lam dọc quốc lộ 7A và sông Hiếu quốc lộ 48, Nghệ An, hằng ngày có hàng chục tàu đào đãi vàng sa khoáng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Trên hai tuyến sông Lam dọc quốc lộ 7A và sông Hiếu quốc lộ 48, Nghệ An, hằng ngày có hàng chục tàu đào đãi vàng sa khoáng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái và đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

 

Ðể tận thu vàng sa khoáng trong vùng lòng hồ do xây dựng các công trình thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, một số đơn vị và cá nhân đã được cấp phép khai thác.

 

Hiện nay,  khai thác vàng sa khoáng bắt đầu từ đầu nguồn hai nhánh sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, hợp lưu thành sông Cả (sông Lam) trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Khe Bố. Bên cạnh đó vùng quốc lộ 48 trên sông Hiếu cũng xuất hiện nhiều đối tượng được cấp phép khai thác vàng sa khoáng.

 

Theo điều tra của ngành chức năng, hiện nay trên  hai tuyến sông Lam, sông Hiếu có hơn 100 tàu đang khai thác vàng. Trên tuyến sông Hiếu có khoảng 17 tàu, tuyến sông Nậm Mộ và sông Lam, dọc quốc lộ 7A  có khoảng hơn 30 tàu.

 

Ðiều đáng quan tâm nhất là do khai thác một cách tùy tiện, trong quá trình khai thác, các đối tượng được cấp phép không thực hiện đúng quy trình và cam kết,  đã làm cho sông bị biến dạng, thay đổi dòng chảy.

 

Hiện tượng thay đổi dòng chảy của sông đã gây xói lở nhiều diện tích đất sản xuất và đất ở của nhân dân, nghiêm trọng hơn là làm ảnh hưởng đến công trình giao thông.

 

Các đợt lũ lụt vừa qua làm xói lở ta-luy âm trên tuyến quốc lộ 7 khu vực Khe Kiền thuộc xã Lưu Kiền, Bản Mon, xã Thạch Giám, Khe Xình, xóm Hòa Ðông, thị trấn Hòa Bình và xói lở mất nhiều diện tích đất sản xuất ở khu vực các bản Bãi Xa, Khe Bố, xã Tam Quang, thuộc huyện Tương Dương...

 

Tại huyện Con Cuông,  nhiều khu vực từ xã Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê cũng gây sạt lở nhiều diện tích canh tác và có nguy cơ sạt lở vào diện tích đất ở của khu  dân cư.

 

Trưởng Ban dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7A đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn Trần Quang Dần - cho biết, do đào đãi vàng làm thay đổi dòng chảy, có nhiều  điểm phải xử lý rất phức tạp và tốn kém, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cho chủ đầu tư và nhà thầu.

 

Dân ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông  khẳng định, đào  đãi vàng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xói lở đường, đất sản xuất ở địa phương. Ðào đãi vàng trên sông tạo nên những núi đất đá, nhiều đoạn sông bị chắn ngang, là những cái bẫy làm cản trở  thuyền bè qua lại khi mùa lũ về.

 

Qua điều tra cho thấy, do sông thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở đất hai bên bờ, làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của hàng trăm hộ dân của các xã ven sông Lam, Nậm Mộ thuộc huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

 

Tại huyện Quỳ Châu, trên sông Hiếu đoạn đi qua xã Châu Hội, nhiều tàu  hoạt động suốt ngày đêm, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhân dân trong vùng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng không thấy hồi âm.

 

Cũng trên sông Hiếu, đoạn chảy qua xóm Khe Mèn, đến xóm Bãi Kè, xã Ðồng Hợp, huyện Quỳ Hợp có  bốn tàu cuốc cỡ lớn đến từ các tỉnh Hà Tây, Ninh Bình ngày đêm thi nhau  cày xới.

 

Ðể khai thác vàng sa khoáng, những chiếc tàu cuốc này vươn gầu  múc rồi nhả ra hàng trăm nghìn m3 cát sỏi, chất đống thành từng bãi chắn ngang sông.

 

Không chỉ có vậy, theo phản ánh  của người dân, họ còn sử dụng các loại hóa chất độc hại như xi-a-nua, thủy ngân, v.v..., để lắng lọc. Việc những chiếc tàu cuốc ngày đêm khai thác vàng sa khoáng trên khúc sông chảy qua nơi đây diễn ra từ năm trước.

 

Huyện đã nhiều lần can thiệp, UBND xã Ðồng Hợp cũng tổ chức lực lượng an ninh địa phương trực tiếp lập biên bản đình chỉ hoạt động các tàu cuốc, v.v...

 

Nhưng chỉ dăm ba ngày sau, đâu lại vào đấy, các tàu khai thác vàng vẫn hoạt động với cường độ 24/24 giờ, làm dòng sông càng ngày càng bị thu hẹp bởi những đống cát sỏi, nước sông ngầu đỏ ô nhiễm nặng. 

 

Tuy các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện đã đi kiểm tra chấn chỉnh, lập lại trật tự, nhưng hình như chỉ làm chiếu lệ.

 

Hiện nay, việc khai thác vàng sa khoáng vẫn diễn ra ồ ạt cả ngày lẫn đêm, không chỉ dừng lại trong khu vực  tận thu vùng lòng hồ đã được cho phép, mà còn lan rộng xuống tận một số xã thuộc huyện Con Cuông và khu vực sông Hiếu, ở các huyện Nghĩa Ðàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

 

Theo phản ánh của ngành quản lý giao thông đường thủy Nghệ An, hiện nay việc quản lý khai thác vàng sa khoáng trên các tuyến sông đang bị buông lỏng.

 

Các cấp chính quyền vẫn còn xem nhẹ những quy định về bảo vệ môi trường và vô cảm với những hậu quả đã đến và đang đến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng  đời sống, sinh hoạt  của nhân dân.

 

Ðề nghị các cơ quan chức năng ở Nghệ An tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác vàng sa khoáng trên các sông nêu trên.

 

Chú trọng công tác quản lý, kiên quyết thu hồi giấy phép, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép và buộc các chủ tàu phải tuân thủ những quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

 

(Theo Nhân Dân)