Những hạt kim cương hơn 50 carat được khai thác tại mỏ Yakutia của Nga - Ảnh: Reuters
Trả lời hãng tin RIA Novosti, ông Nikolai Pokhilenko - Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản tại thành phố Novosibirsk - cho biết kim cương nơi đây có các dạng phân tử carbon khác nhau, cứng gấp 2 lần kim cương thường. Nguyên nhân do phải chịu áp suất và nhiệt độ cực lớn khi thiên thạch khổng lồ đụng vào Trái đất gây vụ nổ cực lớn, để lại hố rộng 100 km cách đây 35 triệu năm.
Thực ra, các nhà khoa học Liên Xô đã phát hiện mỏ kim cương này từ những năm 1970 nhưng các nhà lãnh đạo lúc đó không cho khai thác mà lựa chọn sử dụng kim cương tổng hợp.
Phát hiện về mỏ kim cương này có thể dẫn tới “cuộc cách mạng” trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Siberia thông báo rằng giới khoa học đã có một cuộc thảo luận tại Novosibirsk hồi cuối tuần trước và cho rằng cần có nghiên cứu thêm để đánh giá về tiềm năng kinh tế của mỏ kim cương này.
Viện Địa chất và Khoáng sản ở Novosibirsk đang lên kế hoạch gửi đoàn thám hiểm đến khảo sát mỏ kim cương với sự hợp tác của công ty khai thác mỏ quốc doanh Nga Alrosa.