Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước ngầm nhiễm asen đe dọa 200.000 người

(00:04:28 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - 200.000 người sống ở khu vực nông thôn của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đang phải đối mặt với tình trạng sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh.

200.000 người sống ở khu vực nông thôn của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đang phải đối mặt với tình trạng sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh.

 

Cầm trên tay kết quả phân tích asen (tức thạch tín) trong nước ngầm do Cục Quản l‎ý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên&Môi trường cung cấp, anh Mai Đức Trang ở xóm 2, xã Giao Tân, huyện Giao Thủy không khỏi ngỡ ngàng khi biết nguồn nước ngầm gia đình sử dụng bao năm nay nhiễm asen nặng, vượt tiêu chuẩn của Bộ Y tế tới 17 phần trăm.

 

Các hộ dân trong xã thuộc xóm 7, xóm 8, xóm 9 và xóm 12 cũng nhận được thông tin nguồn giếng khoan, giếng đào đều nhiễm asen vượt tiêu chuẩn.

 

Ở xã Giao Châu, trong tháng 4 vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ khoa học&Công nghệ về lấy mẫu nước ngầm phân tích, sau đó thông báo cho chính quyền địa phương biết: tại các xóm Tiên Hưng, Tiên Long, Lạc Thuần, Mỹ Bình, Thành Thắng nguồn nước đã nhiễm asen nặng (tới 20 phần trăm) và yêu cầu dân không được sử dụng.

 

Theo thống kê của UBND xã Giao Châu, địa phương hiện có 1.338 giếng khoan sâu 8m và khoảng 500 giếng khơi đều có chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh.

 

Qua theo dõi, tỷ lệ sắt trong nước quá cao. Nếu để nước qua đêm hoặc trong thời gian từ 10 đến 12 tiếng, trên bề mặt nước sử dụng xuất hiện lớp váng vàng, có mùi tanh khó chịu.

 

Từ nhiều nguồn vốn đầu tư, hiện nay huỵên Giao Thủy xây dựng được bốn trạm cấp nước sinh hoạt phục vụ cho các xã Giao Tiến, Giao An, Giao Phong và thị trấn Ngô Đồng nhưng chất lượng nguồn nước lấy tại các con sông chạy qua địa bàn cũng không bảo đảm tiêu chuẩn đề ra. Như vậy, chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm ở Giao Thủy  đang trong tình trạng báo động!

 

Đáng chú ý, Trung tâm Quan trắc&Phân tích Tài nguyên Môi trường Nam Định cho hay, khi tiến hành điều tra vào tháng 6/2007 và tháng 5/2008 tại các xã, thị trấn trong huyện đều  thấy các mẫu nước ngầm có chứa asen vượt tiêu chuẩn 09/Bộ Y tế và một số mẫu vượt TCVN 5942-1995 về nước mặt và TCVN 5944-1995 về nước ngầm.

 

Nước trong chưa phải là sạch

 

Phó chủ tịch UBND xã Giao Tiến Cao Xuân Chiến cho biết trạm cấp nước sinh hoạt của  xã xây dựng với số vốn 2,2 tỷ đồng, công suất 1.800 m3/ngày đêm hiện nay đáp ứng cho gần 70 phần trăm số dân toàn xã. Điều này góp phần bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.

 

Tuy nhiên, tháng 11/2007, thanh tra Sở Y tế Nam Định tiến hành kiểm tra nguồn nước lấy từ sông Sò cho kết luận không bảo đảm dùng sinh hoạt.

 

Tìm hiểu thực tế được biết, vào mùa đông nước sông Sò cạn trơ đáy, màu nước đen, xanh bởi rác phế thải sinh hoạt nhưng vẫn được lấy vào kênh cấp 2 của xã, sau đó đưa vào hồ lắng rồi bơm lên bể lọc làm nước sinh hoạt cho dân.

 

Ông Phạm Ngọc Rật, Phó phòng Tài nguyên&Môi trường huyện Giao Thủy, phân tích: "Nước qua xử lý tại bốn nhà máy cấp nước không thể gọi là  nước sạch  mà nên gọi là  nước trong vì đều lấy từ nguồn nước sông Hồng ở gần biển nên có vị mặn, chua.

 

Có những thời điểm, nước mặn vượt qua cả Giao Thủy lên tới tận xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, còn mùa khô nước cạn trơ đáy nên chắc chắn nguồn nước dùng cho các trạm cấp nước sinh hoạt không thể bảo đảm được tiêu chuẩn vệ sinh cho phép".

 

Thói quen và hệ luỵ

 

Một nguyên nhân làm nguồn nước ngầm và nước mặt bị ô nhiễm nặng như hiện nay còn do tác động của việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, xả rác thải bừa bãi xuống kênh mương và cả quá trình đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, làng nghề.

 

Cũng phải thấy rằng, một tác nhân gây hại không kém chính là tình trạng còn nhiều nhà tiêu không hợp vệ sinh ở Giao Thủy. Chỉ riêng xã Giao Châu với hơn 8.400 dân nhưng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ có 608 cái.

 

Vệ sinh môi trường không bảo đảm là hệ quả tất yếu phát sinh các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ. Tháng 4 vừa qua, xã Giao Hà rồi sau đó là Giao Châu  xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm làm hơn 10 bệnh nhân phải cách ly, điều trị tại bệnh viện huyện.

 

Để hạn chế dần việc dùng nước sinh hoạt bằng giếng khoan và giếng khơi ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều gia đình nông thôn ở Giao Thủy hiện chuyển sang xây bể và lu chứa nước mưa. Mỗi bể có diện tích vài mét khối, cá biệt có nhà xây tới hơn chục mét khối.

 

Đến nay, cả huyện có trên 35.000 bể nước mưa nhưng không phải bể nào cũng đạt tiêu chuẩn quy định. Thống kê gần đây của Trung tâm Nước sạch&Vệ sinh Môi trường Tỉnh cho thấy, vẫn có gần 4.000 bể nước mưa không thể dùng để ăn uống được.

 

(Theo Nhân Dân)