Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Dương - Nguồn nước mặt nhiễm hữu cơ và vi sinh

(00:04:26 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ở Bình Dương hiện nay, nguồn nước mặt bị nhiễm hữu cơ và vi sinh trong khi nước dưới đất cũng ô nhiễm và bị hạ thấp.

Dân tự xây đê bao chống nước thải tràn vào nhà ở rạch Chòm Sao, xã Hưng Định (Thuận An)
Ở Bình Dương hiện nay, nguồn nước mặt bị nhiễm hữu cơ và vi sinh trong khi nước dưới đất cũng ô nhiễm và bị hạ thấp.

 

Hiện ở vùng hạ lưu phía Nam của 2 con sông Đồng Nai, Sài Gòn và các kênh rạch bị nhiễm hữu cơ và vi sinh. Điều đáng nói là mức độ ô nhiễm tăng qua từng năm.

 

Cụ thể, nồng độ chất hữu cơ tại vị trí cầu Phú Cường (TX.TDM) vượt chuẩn cho phép 1,1 lần và nồng độ anmoniắc vượt tiêu chuẩn cho phép 12,6 lần.

 

Chất lượng nước mặt các kênh rạch chảy qua nội ô TX.TDM và các thị trấn của huyện Thuận An, Dĩ An cũng đều nhiễm hữu cơ và vi sinh. Mức độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép TCVN 5942-1995 loại B từ 2 - 4 lần.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do nước thải công nghiệp chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

 

Cụ thể, nhiều khu vực như đường 22/12 (Thuận Giao, Thuận An), rạch Chòm Sao (Hưng Định, Thuận An) thường chịu cảnh nước mưa, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý lẫn lộn tràn vào nhà dân làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân nơi đây. Dân sống ở quanh con rạch phải tự xây dựng đê bao để ngăn nước thải.

 

Ông Trần Văn Hột, Trưởng ấp Hưng Lộc (Hưng Định, Thuận An), cho biết: “Những lúc trời mưa lớn, dòng nước thải đủ màu sắc hòa lẫn vào nước mưa tràn từ cống chảy thẳng vào nhà dân.

 

Theo tôi được biết, các công ty, xí nghiệp lợi dụng trời mưa xả nước thải chảy thẳng ra cống. Ấp Hưng Lộc với 591 hộ, hơn 3.200 nhân khẩu, trong đó có 150 hộ, trên 500 nhân khẩu phải gánh chịu hậu quả trực tiếp của tình trạng ô nhiễm môi trường”.

 

Theo anh Tào Mạnh Quân, Phó phòng Môi trường, Sở Tài nguyên&Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước chủ yếu do chất thải từ đô thị, công nghiệp chưa được xử lý triệt để.

 

Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa như hiện nay, đến năm 2010, xu thế gia tăng ô nhiễm nguồn nước là rất lớn nếu chúng ta không có biện pháp hiệu quả ngay từ bây giờ.

 

Nước dưới đất hạ thấp

 

Chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh được đánh giá khá tốt, tuy nhiên nước ngầm mạch nông ở nhiều khu vực đã bị nhiễm bẩn hữu cơ và vi sinh.

 

Một số nơi mực nước ngầm các tầng chứa nước bị hạ thấp do hoạt động khai thác quá mức, nhất là huyện Thuận An, Dĩ An.

 

Cụ thể tại khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần trong những năm qua, trung bình mực nước ngầm hạ thấp khoảng 2m/năm, khu vực xã An Phú (Thuận An) cũng hạ xuống trung bình 1m/năm.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình xây dựng các công trình; việc khoan, khai thác và lấp giếng không đúng quy trình đã làm cho nước bẩn xâm nhập vào tầng nước chứa.

 

Hiện tại đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh đều tự khai thác nước để sử dụng nhưng tỷ lệ các đơn vị có giấy phép khai thác chỉ khoảng 30 phần trăm.

 

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là mạng lưới cấp nước của tỉnh có bước phát triển, tuy nhiên khả năng cung cấp nước sạch hiện nay chỉ mới đáp ứng được khoảng 20 phần trăm cho nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp; 80 phần trăm còn lại do các doanh nghiệp và hộ dân tự khai thác quá mức, nên dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm.

 

Cốt lõi của vấn đề này là do giá nước của các đơn vị cấp nước luôn cao hơn so với việc tự khai thác nước ngầm. Mặt khác, pháp luật hiện chưa có chính sách thu phí đối với các đơn vị khoan và khai thác nước ngầm.

 

Hệ thống thoát nước đô thị ở Bình Dương hiện đang xây dựng rất chậm so với tốc độ đô thị hóa. Mạng lưới thoát nước bị chắp vá giữa cũ và mới, chưa có hệ thống thoát nước thải riêng với nước mưa.

 

(Theo Báo Bình Dương)