Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Hào Dương đã gây ô nhiễm, xâm hại môi trường nhiều năm qua, ông nói gì về điều này?
Một doanh nghiệp lớn thế này đâu ai muốn tối ngày để người ta nói hoài. Khi vào khu công nghiệp (khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè – PV), tôi nghĩ rằng toàn bộ nước thải sau xử lý của chúng tôi do khu công nghiệp (KCN) lo, chứ còn một mình doanh nghiệp lo là không nổi, không phải đau khổ như bây giờ.
Chúng tôi rất thương nghề của mình, muốn làm hiệu quả. Rất tiếc là ba, bốn năm nay tình hình kinh tế suy thoái nặng quá, nhưng chúng tôi vẫn cố cắn răng làm cho tốt hơn. Hiện chúng tôi đang mời các nhà chuyên môn vào lập phương án để hệ thống xử lý ô nhiễm tốt hơn. Cái nào gây khí thải ảnh hưởng quá thì sẽ hạn chế sản xuất lại, để chính chúng tôi còn an toàn nữa chứ.
Cái nặng nề nhất của chúng tôi là nước thải thì hiện không thể nói là vượt tiêu chuẩn, vì hiện nay toàn bộ trên dưới 1.000m3 nước thải sau xử lý đều đã đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung KCN. Cụ thể là chúng tôi đã xử lý được 60%, 40% còn lại là KCN có trách nhiệm xử lý. Còn nếu nước thải vượt quy định đấu nối thì chúng tôi phải trả tiền xử lý cho KCN cao hơn rồi (hiện là 6.000 – 7.000 đồng/m3).
Nhưng mẫu thải lấy ở hố ga của công ty vào tháng 8 vừa qua vẫn vượt tiêu chuẩn?
Nguyên vùng này không có chân, bị lún nặng nề tới 1m, nên nước thải dễ bị tràn ra ngoài. Nói xử lý 100% hoàn toàn không bị tràn ra ngoài làm sao mà được, khó lắm! Bây giờ chỉ có thể kiểm tra có những lỗ rò rỉ nào thì bịt lại, kiểm tra các cống để đảm bảo nước thải không tràn ra.
Tình hình gây ô nhiễm môi trường của Hào Dương đã kéo dài nhiều năm, người dân rất bức xúc, không lẽ tình trạng này không chấm dứt?
Phải có lộ trình. Chúng tôi cũng đâu muốn vậy. Hai năm nay chúng tôi phải cố cắn răng làm, đã đầu tư rồi, nếu đóng cửa thì cả ngàn công nhân sẽ đi đâu trong thời buổi này, nên lỗ cũng phải làm. Khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng nỗ lực.
Bây giờ tình hình còn khó khăn, những gì chúng tôi chưa làm được thì mong Nhà nước chỉ dẫn khắc phục, hỗ trợ. Cái nào chúng tôi không được thì Nhà nước cần đưa đội ngũ chuyên gia xuống hỗ trợ. Doanh nghiệp cũng như con em trong một gia đình lớn, không có doanh nghiệp thì làm gì có công nhân. Quản lý thì cũng phải biết thương doanh nghiệp chứ!
Nhưng ban quản lý các KCN và chế xuất TP.HCM (Hepza) cho rằng từng tư vấn công nghệ xử lý cho Hào Dương, từng mời Hào Dương đi tham quan mô hình một doanh nghiệp khác trong xử lý ô nhiễm…?
Mấy ông ấy nói thôi chứ đâu có giúp chỗ nào đâu. Chỗ nào hay thì chỉ chúng tôi tới học đi, chúng tôi sẵn sàng mà.
Ông nói gì về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng?
Mười năm trước đây các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu nghe về bảo vệ môi trường, nhưng riêng Hào Dương đã ý thức được vấn đề này, nên đã chủ động xung phong di dời về khu tập trung các ngành nghề ô nhiễm (KCN Hiệp Phước). Mà đây là khu tập trung ô nhiễm, đâu chỉ riêng Hào Dương mà còn có ximăng, giấy, phân bón… Nói thật ở khu này mùi hôi thối bốc lên tuỳ theo chiều gió…
Hoạt động từ năm 2008, nhưng mãi đến tháng 10.2010 Hào Dương mới được đấu nối nước thải sau xử lý vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Hiệp Phước. Còn trước đó, nước thải của công ty sau xử lý được phép xả thẳng ra sông Đồng Điền.
Trước khi vô khu tập trung ô nhiễm theo lời mời của thành phố, tôi đã cho biết trước rồi: dự án này cần Nhà nước tài trợ vì nó rất ô nhiễm, rất hôi, chưa kể phần xử lý nước thải rất cực, chỉ mình doanh nghiệp thì khó làm nổi. Chúng tôi đã cố gắng làm tốt trong khả năng của mình. Nếu nói phải bồi thường cho dân (do ô nhiễm gây ra – PV) thì Nhà nước phải bồi thường, tại vì anh không làm tốt thì anh nói doanh nghiệp đâu có được. Nếu nói rõ ràng thì phải nói vậy. Chúng tôi đã không muốn nói và không dám nói.