Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước sạch của dân không đẹp như báo cáo

(00:04:21 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Nhiều báo cáo mang tính quốc gia về việc cải thiện tình hình nước sạch ở khu vực dân cư thực chất chỉ là báo cáo.

Nhiều báo cáo mang tính quốc gia về việc cải thiện tình hình nước sạch ở khu vực dân cư thực chất chỉ là báo cáo.

 

Điều tra thực tế cho thấy số người được sử dụng nước sạch đúng tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với số liệu được công bố. Theo đó, mục tiêu nước sạch đến năm 2010 của Việt Nam có lý do để đổ bể.

 

Tại hội thảo Vệ sinh Môi trường và Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước diễn ra ngày 6/6, ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát Nước Việt Nam, cho biết, theo số liệu báo cáo với nhà nước, hiện nay 50 phần trăm dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch, 40 phần trăm được tiếp xúc với các dịch vụ vệ sinh, 70 phần trăm dân thành thị đã được dùng nước máy, hành vi, ý thức vệ sinh của người dân cũng được nâng cao.

 

Tuy nhiên, theo điều tra, khảo sát tại nhiều địa phương trên cả nước do Hội cấp Thoát nước Việt Nam tiến hành, đây chỉ là những con số báo cáo cho đẹp.

 

Trên thực tế, chỉ 31 phần trăm hộ gia đình ở nông thôn vẫn dùng nước giếng khoan, 32 phần trăm dùng nước giếng đào, 1,8 phần trăm dùng nước mưa, 11,7 phần trăm dùng nước máy, 1,7 phần trăm dùng nước ao hồ, 11,6 phần trăm uống nước lã tự nhiên, tập trung chủ yếu ở người Bana (72,9 phần trăm), Giarai (46 phần trăm), Mường (24 phần trăm), và cả người Kinh (chiếm 10,6 phần trăm).

 

Ngay cả trong 70 phần trăm được dùng nước ma ý thì đó cũng chưa hoàn toàn đạt được đúng chuẩn nước sạch theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).

 

Hành vi vệ sinh của dân nông thôn, thậm chí cả dân thành thị, mới chỉ được nâng, chứ không phải là nâng cao. Thói quen của nhiều người là chỉ sạch nhà mình, vật nuôi chết thường vứt xuống sông, ao, hồ. Các làng nghề dọc theo bờ sông thải trực tiếp nước bẩn, hoá chất, rác, ra sông.

 

Báo cáo 50 phần trăm hộ dân nông thôn có nhà vệ sinh nhưng khảo sát thực tế thì chỉ 1/5 trong số đó có nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Ông Tôn đề nghị cần xem lại và công bố rõ đã đầu tư bao nhiêu Trung tâm Nước sạch Vệ sinh Môi trường Nông thôn và đến nay bao nhiêu còn hoạt động hiệu quả.

 

“Mục tiêu Nước sạch vệ sinh môi trường nước đến năm 2010 là quá tham vọng, vượt quá khả năng của chúng ta. Theo mục tiêu đó, vào năm 2010, 70phần trăm dân số Việt Nam được dùng nước sạch, trong khi những con số khảo sát thực tế nêu trên cho thấy mục tiêu đó là không thể đạt được.

 

Nhưng không ai quan tâm đánh giá xem xét lại nguyên nhân, tìm ra các biện pháp đầu tư để đạt được mục đích đó. Như vậy là có lỗi với dân, thiếu trách nhiệm, nói cho đẹp để được khen thưởng.” – Ông Tôn bức xúc.

 

Cũng theo ông Tôn, cần phải có cần có một chiến lược và chính sách về vệ sinh môi trường. Các công nghệ để thực hiện cũng phải phù hợp với điều kiện Việt NamĐơn cử đề xuất đầu tư xử lý nước rác thải thành nước sạch để uống được, là vô cùng tốn kém, không cần thiết.

 

Tại sao thay vì như vậy không đầu tư công nghệ để xử lý sạch nước thải trước khi đổ ra ngoài, tránh gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như hiện nay?

 

Cần một chiến lược quốc gia về vệ sinh

 

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu về nước sạch vào năm 2010 là vấn đề vệ sinh còn yếu kém.

 

Theo các nhà phân tích, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của nhiều nước trên thế giới.

 

Ông Hoàng Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước, cho biết, thực tế là nhiều dòng sông ô nhiễm, nhiều sông đã và đang chết.

 

Hiện nay, tại Hà Nội, mỗi ngày 600.000m3 nước thải đổ ra môi trường, TP Hồ Chí Minh mỗi ngày 1,2 triệu m3, hầu hết đều chưa được xử lý.

 

Cũng do vệ sinh yếu kém, Việt Nam vào năm 2007 bị Liên Hợp Quốc xếp vào một trong những nước đang suy thoái nguồn tài nguyên nước.

 

Bất ngờ là do từ trước tới nay Việt Nam vẫn tin vào nguồn tài nguyên nước dồi dào với lượng mưa trung bình 1940mm, thuộc số quốc gia có lượng mưa vào loại lớn trên thế giới; có diện tích sông hồ lớn.

 

Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát, mặc dù tổng lượng nước sử dụng hiện nay mới gần bằng 10phần trăm tổng lượng nước trong bình năm của hệ thống sông ngòi trong nước, chưa đạt đến ngưỡng giới hạn (20 phần trăm) nhưng có hai sông là sông Mã và sông Đông Nam Bộ đã khai thác trên 25 phần trăm, đang ở trong tình trạng căng thẳng về nước. Một số khu vực đã vượt qua ngưỡng rất căng thẳng về nước.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, việc quản lý vệ sinh môi trường trên toàn bộ lưu vực sông đã được nêu ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được thực hiện.

 

Đó là nguyên nhân làm suy thoái chất lượng nước ở nhiều dòng sông. Sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Đồng Nai, Sài Gòn hàng ngàn đời nay phục vụ đời sống hàng chục triệu người nhưng nay màu xanh của nước không còn, nhiều đoạn bốc mùi hôi thối, không thể dùng tắm giặt, sinh hoạt, cũng không thể cung cấp cho sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ…Trong bối cảnh đó, các cơ quan liên quan đề xuất cần có một chiến lược quốc gia về Vệ sinh.

 

“Chiến lược này sẽ độc lập, hay bao trùm lên các chiến lược cấp nước, thoát nước, môi trường và tài nguyên nước đã có; sẽ do một bộ tiến hành hay liên bộ?

 

Cần có sự bàn thảo và thống nhất một cách khoa học trước khi trình lên Thủ tướng. Nhiều lợi ích của chúng ta sẽ bị mất đi nếu chúng ta không có một cơ chế xâu kết chặt chẽ các vấn đề liên quan đến môi trường” – Bà Đỗ Hồng Phấn, Mạng lưới Cộng tác Vì nước, kiến nghị.

 

(Theo Tiền Phong)