Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trộm chó liên tỉnh: Đêm ở lò “hóa kiếp”

(13:14:00 PM 17/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, rất nhiều “cẩu tặc” bị người dân đánh đập dã man, thậm chí bỏ mạng nhưng nạn trộm chó từ Bắc chí Nam vẫn không giảm. Kẻ trộm không còn hoạt động đơn lẻ mà thành lập các “hội chuyên trộm chó” nhằm chống trả khi bị phát hiện. Để trả lời câu hỏi vì sao “cẩu tặc” ngày càng lộng hành, phóng viên đã thâm nhập thế giới buôn bán thịt chó...

 

Không ở đâu tại miền Bắc, thịt chó nhiều hơn làng Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện   Hoài Đức - TP Hà Nội). Mỗi ngày, ít nhất hơn 400 chú chó được “hóa kiếp” tại đây, cung cấp 3-4 tấn thịt cho thị trường

Những con chó bị người đàn ông này dùng gậy đập chết
 

Đêm. Tiếng chó sủa và kêu ăng ẳng khắp các con ngõ. Bước chân vào làng Cao Hạ, chúng tôi bị “ tra tấn” bởi mùi tanh, hôi thối và ngai ngái của phân chó cùng đủ thứ chất cặn bã khác. Trời đang nắng lại đổ mưa khiến cái mùi khó chịu đó cứ bốc lên nồng nặc. Đi quanh làng, ở các con mương, cống thoát nước ngập tràn lông chó và rác rưởi, nước đen kịt.

 

Làm bún nhưng phất lên nhờ… thịt chó

 

Không ai nhớ làng Cao Hạ có nghề làm thịt chó từ bao giờ. Những năm 1960, người dân nơi đây đã làm nghề “hóa kiếp” cho những chú chó và đem thịt bán ở chợ Đồng Xuân, Hàng Khoai. Dần dà, khi cái món “vitamin gâu gâu” trở nên khoái khẩu của nhiều người thì nghề làm chó ở Cao Hạ càng phát triển.
 
 
Hàng ở đây cung cấp cho toàn Hà Nội, từ các chợ đầu mối thịt chó lớn như Phùng Hưng, Âm Phủ (quận Hoàn Kiếm); khu Thái Hà, Thái Thịnh (quận Đống Đa); thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức); Vân Đình, khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) đến nhà hàng, quán ăn, quán nhậu khắp thủ đô.
 

Trước đây, Cao Hạ nổi tiếng với nghề làm bún. Tuy nhiên, sau này nghề “hóa kiếp” chó mới thực sự giúp nhiều gia đình ở đây phất lên. Làng hiện có khoảng 30 hộ buôn bán thịt chó, trong đó có nhiều gia đình mấy đời làm nghề này theo kiểu cha truyền con nối. Có thể kể đến các chủ lớn như ông Cải, bà Phong Đỏ, bà Cảnh Sứ, ông Hai Chi, nhà Ngôn Thọ, ông Tu. Mỗi hộ này một ngày thịt ít nhất từ 30 - 40 chú chó, hôm đắt hàng có thể lên đến 130 con.

 

Tại quán chè đá trong làng, tôi gặp ông Tư, người quê làng Sơn Đông, xã Thành Lộc, huyện  Hậu Lộc - Thanh Hóa, một thợ mổ chó trong làng Cao Hạ. Ông Tư cho biết mỗi ngày, làng Cao Hạ thịt ít nhất từ 3-4 tấn chó. Bạn hàng muốn bao nhiêu cũng có, chỉ thông báo số lượng là làng này cung cấp đủ.

 

Những công đoạn rợn người

 

0 giờ ngày 5-9, chiếc ô tô tải chở hơn 10 lồng chó sống (mỗi lồng chứa khoảng 2 tạ chó) đỗ xịch ngay trước lò mổ của ông Tu. Ông Tu cầm đèn pin, đập cổng ầm ầm, hò hét đám thợ dậy mở cổng để khiêng chó xuống. Ba người đàn ông từ trên xe bước xuống, mở thùng xe rồi hò nhau khiêng chó vào chuồng. Tối nay, ông Tu thu gom được 5 tạ chó hơi để thịt, mai giao cho các mối. 

 

Ông Tu là một trùm buôn chó ở làng Cao Hạ. Lò mổ của ông có 3 chuồng có diện tích khoảng 40 m2 để nhốt chó. Trong chuồng, lúc nào cũng sẵn vài tạ hàng. Khoảng 22 giờ hằng ngày, thời điểm các bạn hàng báo chốt số lượng cần lấy, ông sẽ chỉ đạo nhân viên chuẩn bị. Một giờ, người đàn ông tên là Duyên, gương mặt còn ngái ngủ, bật dậy, đi ủng và ra nhóm lò đun nước để chuẩn bị làm hàng. Ở lò mổ này, ngoài ông Duyên còn có 2 nhân viên nữa. Tối nay, họ sẽ thịt 40 con chó.

 

Đến 2 giờ sáng, công việc “tiễn” các chú ki ki sang kiếp khác bắt đầu. Hai cái thau cáu bẩn cả trong lẫn ngoài được dùng để đựng tiết. Trong chuồng, phân chó nhoe nhoét  khắp nơi. Đạt, người đàn ông quê Vĩnh Phúc, một thợ đập chó chuyên nghiệp, một tay cầm cái kìm dài để kẹp cổ chó, một tay cầm cây gậy bước vào chuồng. Bốp! Bốp! Chỉ 2 phát vụt vào đầu, con chó chết không kịp kêu lên một tiếng.
 
... sau đó vứt ra ngoài cho “đồng nghiệp” làm tiếp công đoạn… cắt tiết
 
 
Đập xong con nào, Đạt dùng kìm kẹp cổ, vứt ra ngoài để cho ông Duyên chọc tiết. Trên mình con chó, dưới sàn nhà đầy phân và nước tiểu nhưng chẳng cần rửa hay xịt nước cho sạch, ông Duyên xềnh xệch kéo lê từng con trên mặt sàn nhơ nhớp, nhấc lên cao rồi chọc tiết...
 

Chỉ trong nửa giờ, các “đồ tể” ở đây đã hoàn thành công đoạn đầu tiên đối với 40 chú chó. Chó được xách ra khỏi chuồng, vứt xuống nền xi măng ngay cạnh chuồng heo. Sau khi nhúng nước nóng, từng con được cho vào máy đánh lông, công đoạn này do một thanh niên tên là Linh đảm nhận. Đánh lông con nào xong, Linh lại vứt oạch xuống nền xi măng bẩn ngay trước mặt. 3 giờ sáng, mưa nặng hạt. Ông Tu giục Linh ra ngoài đường căng bạt, ôm rơm ra để thui. Chỗ thui chó là con đường mà hằng ngày người dân vẫn đi qua đây để ra ruộng. Phía trước mặt là khu chuồng heo. Ngay cạnh đó là mương nước để dẫn nước từ chỗ làm lông chó và từ khu chăn heo  chảy ra, nước đen thui, đầy rác và thối kinh khủng.

 

Một lớp rơm được rải mỏng phía dưới, những chú chó đã được “hóa kiếp”, xếp thành hàng, một lớp rơm khác được phủ lên trên. Lúc này, bà chủ cũng đã đến để phụ thui chó cùng  đám người làm công. Trời mưa mỗi lúc một to. Ông Tu vui ra mặt: “Chắc phải đập thêm chục con nữa, mai mát trời, hàng sẽ chạy!”. Gần 5 giờ, các bạn hàng đến, họ lao vào phụ một tay với nhà chủ và lựa những con chó ngon cho mình, cột chặt sau xe máy đưa đi khắp nơi.

 

Mỗi đêm, làng Cao Hạ thịt 3-4 tấn chó, nguồn hàng lấy đâu cho đủ? Tôi hỏi. Ông Tư tiết lộ: “Tất cả đều ở làng Sơn Đông (Thanh Hóa). Không chỉ làng Cao Hạ đâu, các lò mổ chó ở Hà Nội đều lấy hàng từ đây”. Chúng tôi tiếp tục về Thanh Hóa...
 
Một lò mổ chó ở làng Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức - TP Hà Nội) - nơi mỗi ngày làm thịt hơn 400 con chó. Ảnh: VĂN DUẨN
 
 

Đáng sợ dồi chó!

 

Sau khi nhận hàng xong, một số bạn hàng của ông Tu nếu ai mua lòng về để làm dồi chó thì sẽ tranh thủ nhặt mấy cái cuống họng, phổi chó, mang ra bể nước cạnh lò mổ rửa qua loa rồi vứt vào cái máy xay thịt cáu bẩn đặt ở ngay trong bếp. Cái máy chạy ro ro, chỉ một loáng, những thứ thập cẩm đó đã bị nghiền nát và được cho vào túi bóng to đùng. Đây là nguyên liệu được nhồi vô bên trong bộ lòng để làm dồi chó.

 

Khi được hỏi vì sao không dùng bạt để lót bên dưới cho vệ sinh, ông Tu cười xuề xòa: “Nền sạch thế còn gì, làm gì bẩn, cần gì phải bạt. Chẳng có lò mổ nào ở đây làm sạch bằng chỗ này, anh nói thật đấy. Làm phải bảo đảm vệ sinh chứ. Các lò trong làng, chật chội và bẩn lắm!”.

 

Không biết lò mổ của ông Tu có sạch nhất trong số các lò mổ ở làng Cao Hạ hay không nhưng có một điều là suốt đêm hôm đó, không ít lần tôi phải che miệng hoặc quay đi chỗ khác để nôn ọe.

 

 

Bài và ảnh: VĂN DUẨN (NLĐ)