Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Họ càng “run sợ” hơn khi đại diện chủ đầu tư vẫn kiên quyết tích nước hồ thuỷ điện trong khi công trình này có dấu hiệu kém chất lượng và tình trạng động đất vẫn chưa chấm dứt.
Động đất xảy ra: đừng lo!
Đập chính thuỷ điện Sông Tranh 2. Ảnh: Minh Đức
|
Sau nhiều ngày khảo sát, viện Vật lý địa cầu vẫn khẳng định động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 chỉ là động đất kích thích và nằm trong giới hạn tính toán (không vượt quá ngưỡng 5,5 độ Richter) nên đập thuỷ điện vẫn an toàn. Kết luận này không làm cho người dân và chính quyền địa phương bớt lo, thậm chí tại cuộc họp vào chiều ngày 12.9, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho đó là “kết luận vội vàng”. Ông Nguyễn Đức Hải, bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam nói, địa phương chưa thể yên tâm với kết luận của đoàn kiểm tra, trong khi đây là vấn đề “rất hệ trọng, liên quan đến tính mạng của hàng vạn người dân”.
TS Lê Huy Minh, phó viện trưởng viện Vật lý địa cầu, trưởng đoàn công tác thừa nhận động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 chưa suy giảm về độ lớn, cũng như về tần suất động đất. Nhưng ông cho rằng: “Nếu có động đất xảy ra đến cực đại, khoảng 5,5 độ Richter, thì chưa có vấn đề gì!”.
Trái ngược với vẻ “bình chân như vại” của các nhà khoa học và dù lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục khẳng định những trận động đất vừa qua chưa gây ảnh hưởng gì đến an toàn của đập thuỷ điện Sông Tranh 2, cả chính quyền địa phương Quảng Nam và người dân hiện vẫn đang mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo kép: Vừa lo động đất, vừa lo biển nước của hồ chứa với 790 triệu m3 nước treo trên cao trình hơn 140m. “Thuỷ điện Sông Tranh 2 là công trình trọng điểm cấp quốc gia, thế mà vừa làm vừa thiết kế, chất lượng xây dựng kém, vừa tích nước đã xảy ra sự cố rò rỉ. Sự cố vừa khắc phục xong, thì động đất nổ liên hồi như bom dội. Làm ăn thiếu trách nhiệm, không minh bạch thông tin, khi công trình xảy ra sự cố thì bảo chính quyền và người dân tin sao được”, ông Trần Xuân Thọ, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Quảng Nam nói.
Vẫn còn lo động đất, vỡ đập có thể xảy ra
Để đánh giá chính xác về hiện tượng động đất ở Bắc Trà My và sự an toàn của đập thuỷ điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học cho rằng, cần triển khai nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2, đồng thời sẽ lắp đặt các trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hết lo âu, bởi lẽ đề tài cấp quốc gia này phải mất ba năm, lúc đó, liệu người dân còn sống nữa không mà bây giờ không lo? Trong khi đó, hiện chưa có phương án cụ thể di dời dân khi động đất, vỡ đập xảy ra. Như vậy, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn canh cánh lo ngại thảm hoạ sẽ xảy ra khi động đất vẫn tiếp diễn. |
Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định: “Tôi là người lãnh đạo Đảng, đứng đầu địa phương cũng chưa thể yên tâm và do vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu lâu dài vấn đề này. Còn vấn đề xử lý thấm, an toàn đập, cần tổ chức cuộc họp riêng thì mới thấu đáo được”. Theo ông Hải, sau khi sự cố thấm nước vừa khắc phục xong, thì động đất xảy ra liên tục, trong một tuần xảy ra 15 trận động đất thì ông biết nói thế nào cho người dân yên tâm? “Bao giờ Chính phủ khẳng định đập thuỷ điện Sông Tranh an toàn tuyệt đối thì mới cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại. Nếu còn trục trặc thì phải sửa sai, thậm chí thấy không an toàn thì chấp nhận hy sinh công trình để an dân”, ông Hải nhấn mạnh.
Chưa yên tâm trước vấn đề này, ông Lê Phước Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu hiện tượng động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 với tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm với dân. Ông Thanh còn băn khoăn: sau khi tích nước hồ chứa vào cuối năm 2011, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố rò rỉ. Giờ khắc phục xong, chưa tích nước trở lại, mà các bộ ngành Trung ương đã khẳng định an toàn thì chưa thể yên tâm được.
Các nhà khoa học đã so sánh động đất ở thuỷ điện Sông Tranh 2 với động đất ở thuỷ điện Hoà Bình. Tuy nhiên, động đất ở thuỷ điện Hòa Bình ngày càng giảm về cường độ, mật độ sau khi tích nước, còn động đất ở thuỷ điện Sông Tranh 2 thì ngược lại, ngày càng lớn dần, dày đặc hơn. “Không nên so sánh giữa thuỷ điện Sông Tranh 2 với thuỷ điện Hoà Bình, bởi thuỷ điện Hoà Bình đã được đưa ra Quốc hội để thảo luận năm năm, rồi mới thống nhất tiến hành xây dựng, còn thuỷ điện Sông Tranh 2 là đã xây dựng, xảy ra sự cố rồi mới tìm cách khắc phục. Trong khi đó, sự cố rò rỉ nước và quá trình khắc phục lại thiếu minh bạch, không thông tin đầy đủ, cấm cửa báo chí khiến người dân thêm lo lắng”, ông Thọ nói.
Chuyên gia động đất Ngô Thị Lư, viện Vật lý địa cầu kiểm tra vết nứt toác trên bức tường tại một trường học ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) do động đất gây ra trong tuần qua. Ảnh: Minh Đức
|
“Đừng áp đặt kiến thức của mình lên người dân”
Trong khi người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam đang mất ăn mất ngủ vì tình hình động đất đang diễn ra rất phức tạp, túi nước thuỷ điện lại treo lơ lửng trên đầu, thì có ý kiến từ viện Vật lý địa cầu cho rằng: người dân quá kém hiểu biết về động đất, nên hoang mang, họ ứng phó với động đất một cách thiếu kiến thức. Nhiều đại biểu nhận xét rằng, phát biểu này rất “thiếu tình, thiếu lý” và làm gia tăng nỗi lo về trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tính mạng của nhân dân. Ông Thọ cho rằng, dân không tin là động đất không ảnh hưởng đến an toàn đập thuỷ điện Sông Tranh 2, bởi vì họ đang bị đe doạ bởi động đất và túi nước treo lơ lửng trên đầu. “Hãy đặt mình vào vị trí của người dân. Đừng bao giờ áp đặt kiến thức của mình lên họ. Họ là người dân, không thể đòi hỏi họ có sự hiểu biết như các nhà khoa học được”, ông Thọ nói.
Còn ông Thanh đặt vấn đề: liệu khi dung tích hồ chứa nâng lên từ 140 – 174m nước thì mật độ rò rỉ nước qua thân đập liệu có còn hay không? “Chỉ 1% mất an toàn ở đập thuỷ điện Sông Tranh 2 chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ không cho chủ đầu tư tích nước hồ chứa trở lại. Một khi chưa có kết luận rõ ràng về động đất ở khu vực này, lỡ có biến cố xảy ra thì thảm hoạ sẽ thật khó lường”, ông Thanh khẳng định.
Ở khía cạnh khác, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Đặng Phong nói, trước đây, các cơ quan chuyên môn đã biết chắc khu vực này có khả năng xảy ra động đất đến 5,5 độ Richter mà không tính toán đến thiết kế xây dựng nhà ở cho dân tại các khu tái định cư. Trận động đất vào đêm 3.9 mới lên 4,2 độ Richter, đã làm cho hàng chục nhà dân và công trình dân sinh của huyện đã bị nứt nẻ. “Hệ luỵ động đất đang để lại dư chấn rất lớn trong lòng dân, nếu xảy ra sai lầm thì khó có sửa chữa được”, ông Phong nói.
Theo các chuyên gia thuỷ điện, thuỷ lợi, chuyện động đất và an toàn đập là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Có thể những trận động đất vừa qua chưa gây thiệt hại gì lớn, thế nhưng, chuyện an toàn đập còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể: chủ đầu tư cùng nhà thầu liệu có xử lý rốt ráo đới đứt gãy bên dưới nền móng của đập hay chưa, khâu thiết kế, thi công có đảm bảo theo đúng quy trình, thiết kế hay không?… TS Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký uỷ ban sông Mekong Việt Nam lo ngại: “Nếu chất lượng công trình kém, kèm theo động đất liên tục xảy ra ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 như thời gian vừa qua, thì dễ gây ra thảm hoạ khó lường cho khu vực dân cư vùng hạ lưu”.