Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo quản cơm ngon trong vòng một tháng

(08:48:15 AM 14/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Khi nghĩ đến cơm, nhiều người nghĩ rằng, cơm phải thổi chín rồi ăn ngay mới ngon. Nhưng hiện nay, bằng phương pháp cấp đông, cơm có thể để cả tháng vẫn ngon mà không mất đi giá trị dinh dưỡng.

Từ xưa đến nay, người Việt Nam vẫn luôn coi cơm là một món ăn chính và quan trọng. Những bữa cơm ngon là cơm vừa chín tới ăn ngay. Nhưng trong cuộc sống hiện đại quá bận rộn thì việc có một phương pháp hạn chế nấu cơm nhiều lần là rất hữu ích.

 

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Theo chuyên gia nấu ăn Dương Văn Hùng, trưởng khoa chế biến, trường Trung cấp nghề nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn, với những người luôn bận rộn thì việc sử dụng phương pháp cấp đông với món cơm là một sự tiện ích. Cơm vẫn ngon và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng sau thời gian một tuần, thậm chí một tháng nếu biết cách bảo quản cơm theo phương pháp cấp đông đúng. 

Để bảo quản cấp đông cơm đúng thì ngay khâu nấu cơm cũng cần phải khoa học. Loại gạo nấu cơm là loại gạo ngon. Chọn loại gạo trắng và dẻo, không bị mốc. Gạo được vo rửa khoảng 3 lần cho sạch hết chất bẩn bám bên ngoài hạt, đồng thời giúp cho hạt gạo mềm, dễ hút nước và trương nở khi nấu.

Sau đó, gạo vo sạch được nấu với nước sao cho cơm hơi khô, không nhão và cũng không sống. Lượng nước sẽ tùy thuộc vào loại gạo sử dụng, thông thường theo tỷ lệ gạo và nước là 1:1. Quá trình này nhằm hồ hóa tinh bột gạo để làm tăng độ dính và độ trong của hạt gạo, đồng thời làm chín hạt gạo. 

Cơm sau khi thổi chín để nguội, đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh (bảo quản mát). Khi dùng có thể làm nóng lại bằng cách cho vào dụng cụ kín (dùng được cho lò vi sóng), bổ sung thêm 1 chút nước sạch (20-30ml cho 1kg cơm) rồi đưa vào lò vi sóng. Phải cho thêm nước vì khi bảo quản trong tủ mát cơm thường có xu hướng bị mất nước, khô đi. 

Khi mang cơm từ lò vi sóng ra đừng vội vàng mở nắp (có thể để vài ba phút) để tránh cơm nhanh bị khô. Nguyên nhân do cơ chế làm nóng của lò vi sóng là tạo ra sóng điện từ tác động lên các phân tử nước làm chúng chuyển động nhanh sinh nhiệt. Sự chuyển động cũng làm cho phân tử nước có khả năng văng ra khỏi thực phẩm theo quán tính và bay hơi rất nhanh.

 

Cơm khi được lấy ra có thể sử dụng bình thường và vẫn giữ được hương vị như vừa mới nấu. 

(Nguồn: Hải Ninh/Kiến thức)