Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bà Trần Thị Hằng - bác ruột của nạn nhân Trần Thị Hồng Thơm - trong buổi lễ cầu siêu cho các học sinh bị nạn ở hồ Tuy Lai - Ảnh: Nguyễn Khánh |
“Nó xin đi học nhóm với bạn rồi lén bỏ quần áo vào cặp. Tôi bảo: con đi về sớm để nấu cơm cho bà. Nó dạ rồi dắt xe đi. Mãi đến 4-5 giờ chiều vẫn chưa về. Rồi sau đó thấy người làng đến báo nó chết đuối ngoài hồ” - bà Vũ Thị Tường khóc nghẹn kể về đứa cháu xấu số Nguyễn Thị Chinh (học sinh lớp 8B Trường THCS An Mỹ). Cách đó không xa là nhà Trần Thị Lan Phương. Phương học cùng lớp với Chinh, Phương sống với bà ngoại, Chinh sống với bà nội. Sau buổi chiều định mệnh 12-9, chỉ còn người đầu bạc khóc kẻ tóc xanh.
Nước mắt người già
Cứu con, cha chết đuối
Trưa 13-9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng người thân đã tìm được thi thể ông Nguyễn Ngọc Bình (52 tuổi, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) - bị chết đuối sau khi cứu sống con trai.
Sáng cùng ngày, ông Bình cùng con trai Nguyễn Ngọc Đông (8 tuổi) ra đồng mò bắt ốc. Khi ông Bình bơi cõng đưa cháu Đông sang bên kia bờ khe Nước Mắm để mò ốc thì bị nước xoáy cuốn cả hai cha con. Ông Bình đã cố gắng đẩy cháu Đông vào bờ, còn ông kiệt sức, bị nước cuốn trôi mất tích.
Năm 1998, con gái ông Bình cũng bị chết đuối khi đi mò ốc trên đồng. Năm 2010, vợ ông Bình chết vì căn bệnh ung thư, một mình ông nuôi bốn người con. A.KHÁNH |
“Giá mà tôi biết nó đi bơi thì tôi đã không cho!” - bà Tường nghẹn ngào trong tiếng khóc. Từ lúc biết tin đứa cháu gái mất, bà không ăn không ngủ, thơ thẩn đi lại. “Bà nuôi cái Chinh và em gái nó từ năm 5 tuổi. Giờ lớn lên một chút thì lại bỏ bà đi” - bà Tường nói trong nước mắt. Đám tang của Nguyễn Thị Chinh diễn ra sáng 13-9, trước lúc cơn mưa ập xuống trắng cả nghĩa trang. Nghĩa trang của thôn Đoan Nữ sáng nay vừa có ba nấm mộ nằm cạnh nhau. Đó là mộ của Bùi Thị Thu, Trần Thị Lan Phương và Nguyễn Thị Chinh, ba nữ sinh cùng học lớp 8B Trường THCS An Mỹ.
Trong tiếng khóc nghẹn, bà nội 82 tuổi của Nguyễn Thị Chinh kể về những ngày bà cháu rau cháo nuôi nhau: “Mỗi bữa cơm ba bà cháu chỉ có một quả trứng luộc, chẳng nhiều nhặn gì đâu. Có cái xe đạp là tài sản do thầy cô, bạn bè nó góp tiền mua cho, không thì cũng chẳng có xe đạp mà đi”. Bà Nguyễn Thị Hiểu (bà ngoại của Chinh) biết tin cũng lặn lội đi trong đêm về đưa tang cháu gái xấu số. “Tối qua biết tin, bà ra bắt ôtô về Mỹ Đình rồi ngược lên đây với cháu. Tối nay, bà phải ngược Cao Bằng, nhà chẳng còn ai, đứa em thứ ba của cái Chinh mới 9 tuổi phải ở một mình” - bà Hiểu buồn bã nói.
Thầy Nguyễn Văn Soạn, giáo viên chủ nhiệm cũ của ba học sinh thôn Đoan Nữ, cho biết mỗi em có một hoàn cảnh khó khăn riêng. Nguyễn Thị Chinh sống với bà nội, hoàn cảnh rất khó khăn. Còn Lan Phương thì bố mẹ ly hôn nên về sống với bà ngoại. Nhưng các em đều học rất khá, ngoan và luôn cố gắng.
Một đêm 5 đám tang
Cả đêm 12-9, thôn Tảo Khê (xã An Mỹ) cũng chìm trong tang tóc. Bàn thờ của Mai Lê Hồng Phúc (học sinh lớp 8A Trường THCS An Mỹ) treo đầy giấy khen. Bên bàn thờ, ông Mai Bá Liên (ông nội của Phúc) thay con thắp hương cho cháu, bố mẹ Phúc khóc ngất từ khi biết con chết đuối ngoài hồ Tuy Lai. “Lúc mọi người chạy ra thì chỉ cứu được ba cháu, trong đó có em gái sinh đôi của Phúc là cháu Phượng. Tám cháu còn lại chỉ tìm thấy xác thôi” - ông Liên kể.
“Đêm 12-9, cả thôn Tảo Khê không ngủ. Đám tang lần lượt diễn ra trong đêm. Đưa em này ra nghĩa trang thì một nhóm ở lại lấp huyệt, nhóm khác trở về chuẩn bị đám tang khác” - anh Việt, một người dân Tảo Khê, kể. Không khí tang tóc đến mức câm lặng khi một thôn nhỏ hơn trăm nóc nhà mà có đến năm nữ sinh chết đuối. Khăn tang trắng cả làng vì ai cũng có họ hàng với nhau.
Mới nhận lớp chủ nhiệm được mấy ngày, thầy giáo Lê Văn Thăng cũng không thể tưởng tượng nổi phải chứng kiến cảnh năm cô học trò của mình ra đi cùng một buổi chiều. Sáng nay, lớp 8A do thầy Thăng chủ nhiệm nghỉ học để đi đưa tang các bạn. Một lớp phải chia thành năm nhóm đi năm đám tang khác nhau.
Bà Vũ Thị Tường đau đớn trước cái chết của cháu nội Nguyễn Thị Chinh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Năm nào cũng có người chết đuối
Mai Lê Hồng Phượng là một trong ba nữ sinh may mắn sống sót. Thoát chết trong gang tấc nhưng Phượng cũng phải chứng kiến chị gái sinh đôi của mình là Mai Lê Hồng Phúc chìm xuống hồ Tuy Lai. Cố gắng giữ bình tĩnh, Hồng Phượng kể: “Lúc đầu chỉ có bốn bạn lội nước thôi. Rồi các bạn trượt chân ngã, bảy đứa bọn em trên bờ mới chạy xuống cứu. Lúc đó, em chỉ nghĩ là nước nông nên cứu được. Nhưng không ngờ xuống đến thì phía dưới rêu nhiều nên trơn và dốc. Các bạn níu kéo nhau, em buông ra bơi ngược vào bờ nhưng chị Hồng Phúc thì bị ba bạn kéo chìm xuống”. Hồng Phượng còn nói: “Bọn em không biết hồ Tuy Lai trước đây có nhiều người chết. Hôm qua, các bác mới nói. Giá như bọn em biết chỗ đấy nguy hiểm thì chưa chắc đã đến đó”.
Nguyễn Đức Cường (học sinh lớp 12 Trường Mỹ Đức B), một trong những người có mặt cứu và vớt tám học sinh bị nạn, nói: “Mực nước hồ rất sâu, phải đến khoảng 4m ở gần bờ. Lúc lặn xuống, nhiều người còn thấy các em bấu vào nhau không rời. Em cuối cùng mà em vớt được bơi rất giỏi nhưng do các bạn níu chặt quá nên cũng chìm theo”.
Một người dân xã An Mỹ chứng kiến sự việc ngày 12-9 cho biết hồ này năm nào cũng có người chết đuối. Bờ kè của hồ khá dốc và trơn do rêu nên bọn trẻ không có chỗ bám bơi vào bờ. Xung quanh cũng chẳng có hàng rào lan can gì, biển cấm bơi thì khuất đằng góc chẳng ai nhìn thấy.
Nhiều nơi chưa làm tốt việc dạy bơi cho học sinh
Cách đây hai năm, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015, coi đây là một trong những căn cứ để bình xét thi đua hằng năm.
Để tạo điều kiện cho việc triển khai dạy bơi trong trường học, tháng 5-2012 Bộ GD-ĐT phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi, cứu đuối cho đội ngũ giáo viên thể dục của các trường phổ thông từ 63 tỉnh thành. Trong nhiệm vụ năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh và phát triển mô hình dạy bơi cho học sinh tiểu học.
Tuy nhiên trên thực tế, việc dạy bơi cho học sinh ở nhiều địa phương không thực hiện tốt do nhiều khó khăn: thiếu kinh phí đầu tư, không có giáo viên đạt yêu cầu về nghiệp vụ, chưa được chính quyền địa phương quan tâm... V.HÀ |