Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nếu nước biển dâng cao từ 0,7 đến 1m, sông Sài Gòn sẽ bị nhiễm mặn khiến sông chết, nguồn cấp nước sạch lớn nhất TPHCM có nguy cơ bị cắt.
Ông Phan Đức Nghĩa, Viện Khoa học Thủy lợi Miền nam đưa ra kịch bản chỉ 15 năm nữa, nếu mực nước biển dâng đến 1m, hồ Dầu Tiếng trên thượng nguồn không thể cung cấp 40.000 m3 nước một giây để rửa mặn. Kết quả nước sông Sài Gòn sẽ nhiễm mặn kéo dài từ hạ nguồn cho đến Củ Chi.
Phát biểu trong hội thảo “Tầm quan trọng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trên lưu vực” hôm qua, ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy Nước Tân Hiệp, cũng lo lắng nói, nếu tình trạng nhiễm mặn xảy ra thực sự và ở mức cao như dự báo, không nhà máy nước nào có thể hoạt động, buộc phải đóng cửa, kéo theo khó khăn lớn trong việc cung cấp nước cho TP HCM.
Hiện nhà máy nước lớn nhất thành phố này lấy nguồn nước ở sông Sài Gòn và cung cấp 1/4 nước sạch cho TP HCM. Chỉ riêng việc nhà máy ngừng hoạt động vì nước nhiễm mặn hồi tháng 3/2005 đã làm nhiều nơi trên địa bàn thiếu nước ngọt trầm trọng.
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) đến ngã ba sông Đồng Nai có chiều dài 107 km chảy qua Tây Ninh - Bình Dương và TP HCM. Đây vốn là nguồn nước thô cung một tỷ m3 nước mỗi năm cho nhu cầu sinh hoạt dân và hoạt động của các đơn vị sản xuất.
Sông Sài Gòn ngày càng bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Kiên Cường. |
Hiện nay, ngoài tình trạng ngập mặn do nước biển dâng, sông Sài Gòn đang đứng trước mức độ ô nhiễm trầm trọng nên các nhà khoa học cũng cảnh báo về tình trạng kém chất lượng của nguồn cung nước sạch thành phố.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hà, trường đại học Bách khoa TPHCM nêu thực trạng, hàm lượng Mn trong nước sông Sài Gòn từ năm 2003 đến tháng 5 năm nay đã tăng gấp bốn lần.
Điều đáng lo ngại hơn, đây là một độc tố mà trẻ con nếu thường xuyên tiếp xúc sẽ làm giảm sự phát triển trí tuệ. Còn nồng độ sắt trong nước đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 1,5 lần.
Báo cáo của ông Lê Hoàng Minh, Cảnh sát môi trường, thì sông Sài Gòn đang hằng ngày gánh trên một triệu m3 nước thải sinh hoạt, gần 400.000 m3 nước không qua xử lý từ công nghiệp, 20.000 m3 nước thải y tế, cộng thêm 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và bảy tấn rác thải y tế. Ngoài ra, còn có những chất độc hại theo mưa cũng ngấm xuống đất và chảy thẳng ra sông.
Năm ngoái, khoảng hơn 100 doanh nghiệp của Bình Dương; gần như toàn bộ các doanh nghiệp, bệnh viện của Tây Ninh bị xử phạt vì gây ô nhiễm ra sông. Riêng TP HCM có 193 đơn vị vi phạm, 18 cơ sở buộc phải ngưng hoạt động, đang gióng lên hồi chuông báo dộng về tình trạng làm ô nhiễm sông Sài Gòn.
Trước hiện trạng đó, đại diện nhà máy nước Tân Hiệp cảnh báo ngay từ bây giờ nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ như hiện nay thì bộ phận lọc với vật liệu mới ở nhà máy nước cũng có khả năng không chịu nổi.
Các nhà khoa học đã đề xuất hàng loạt biện pháp nhằm cứu nguồn cung cấp nước sạch quan trọng cho TP HCM.
Ông Nghĩa đề nghị thành phố nghiên cứu ngay các biện pháp xây dựng hệ thống ngăn mặn ở cửa biển để trong tương lai có thể khống chế phần nào hiểm họa nước biển dâng.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm, ông Nguyễn Hoàng ở tỉnh Tây Ninh cho rằng nên xác định nguồn ô nhiễm bằng cách phân khúc từng đoạn cụ thể, sau đó các ngành các cấp sẽ phối hợp để xử lý.
Ông Minh nêu vấn đề, cảnh sát môi trường, cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất trực tiếp xả thải chưa qua xử lý ra sông, hoặc buộc chuyển những cơ sở này ra xa khu vực thu nước thô của các nhà máy nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng về lâu dài nên xây dựng một vùng bảo vệ ven sông Sài Gòn, trong đó kiên quyết không cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra sông Sài Gòn.
(Theo VnExpress)