Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tê giác: Loài đang bị đe dọa tuyệt chủng lớn nhất
Danh sách 100 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất vừa được Hội động vật học Luân Đôn và IUCN công bố tới các chính phủ và các tổ chức môi trường tại cuộc họp của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới IUCN. Các biện pháp để bảo tồn tê giác và các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng khỏi bị săn bắn, buôn bán bất hợp pháp và mất đi sinh cảnh sống, kỳ vọng sẽ được thống nhất tại cuộc họp này.
“Loài tê giác trên thế giới đang bị những kẻ săn trộm, thương nhân và người tiêu dùng tấn công để lấy sừng. Hiện chỉ còn lại một vài quần thể nhỏ tê giác Ja-va và Su-ma-tra, loài động vật thời tiền sử này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn nếu như không có các biện pháp để gia tăng số lượng các cá thể, ngăn chặn việc săn bắn trộm và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác,” Tiến sỹ A. Christy Williams, chuyên gia về tê giác và voi của WWF nói.
Hiện nay chỉ còn dưới 50 cá thể tê giác Ja-va tồn tại và tất cả đang sống ở Công viên Quốc gia của Indonesia. Các cá thể tê giác Su-ma-tra thì đang sống rải rác tại một vài nơi ở Su-ma-tra và Borneo với số lượng không đến 200 cá thể. Những động vật này không thể sinh sản đủ nhanh để có thể đảm bảo khả năng sống sót trong trường hợp dịch bệnh bùng nổ, núi lửa hoạt động và sóng thần. Thêm vào đó, tê giác Su-ma-tra hiện đang bị săn trộm ráo riết và mất sinh cảnh rừng do khai thác gỗ và chuyển đổi đất nông nghiệp.
“Sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Châu Á trong những năm gần đây là nguyên nhân gây nên nạn săn bắn trộm tê giác tới mức kỷ lục ở tận một nơi rất xa như Nam Phi.Niềm tin hoang đường về việc sử dụng sừng tê giác như một thần dược đã đổ thêm dầu vào lửa cho thị trường buôn bán bất hợp pháp và đang đe dọa các thành quả bảo tồn đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua,” Giáo sư Carlos Drews, Giám đốc Chương trình loài quốc tế của WWF chia sẻ.
Việt Nam đã mất cá thể tê giác cuối cùng do bị săn bắn vào năm 2010, dẫn đến phụ loài tê giác Ja-va của nước này đã bị tuyên bố tuyệt chủng. Một phụ loài khác là tê giác đen Tây phi ở Cameroon cũng đã bị tuyệt chủng. Ba trong số năm loài tê giác được liệt kê ở mức bị cực kỳ nguy cấp trong danh sách đỏ của IUCN.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo tồn hiệu quả đang cứu loài tê giác đen khỏi bờ vực tuyệt chủng. Năm ngoái Nepal đã kỷ niệm một năm không xẩy ra một vụ săn bắn tê giác nào. Đó là thành quả to lớn của việc thực hiện các biện pháp tăng cường việc thực thi pháp luật với sự hỗ trợ của WWF.
“Biện pháp quản lý tập trung có thể giúp tăng số lượng quần thể tê giác, giống như trường hợp loài tê giác lớn một sừng ở Nepal và Ấn độ. Đây là thời điểm cấp bách để đặt việc bảo tồn hai loài tê giác Ja-va và Su-ma-tra thành ưu tiên hàng đầu,” Tiến sỹ William nói. “Vì tính nghiêm trọng của tình hình, các biện pháp cuối cùng cần được tính đến, chẳng hạn như di dời các loài này đến những nơi an toàn và tạo ra những quần thể mới.”
Nhân kỉ niệm Năm quốc tế về tê giác, tháng 6 năm 2012, Tổng thống In-đô-nê-si-a Ngài Susilo Bambang Yudhoyono, đã đưa ra cam kết bảo tồn loài tê giác hiệu quả cùng với các các biện pháp bảo vệ loài này tốt hơn.
Tháng trước, TRAFFIC – Mạng lưới theo dõi việc buôn bán các loài hoang dã đã phát hành một báo cáo đầy đủ về tình hình buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp. Báo cáo đề cập đến sư yếu kém trong việc tuân thủ quản lý các kho sừng tê giác, các kẽ hở trong chính sách săn bắn thể thao ở Nam Phi và sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại châu Á. Đây chính là những điều kiện lý tưởng cho các mạng lưới tội phạm phức tạp hoạt động dẫn đến việc tê giác bị săn bắn trộm ở khu vực Nam Phi gia tăng chóng mặt.
WWF và TRAFFIC vừa phát động chiến dịch toàn cầu chống lại việc buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác, ngà voi và các bộ phận của hổ. Chiến dịch kêu gọi việc thực thi pháp luật tốt hơn, ngăn chặn hiệu quả hơn việc buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã, và giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.