Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nếu ví cây xanh là lá phổi của thành phố, các con sông là ruột hay dạ dày, người Hà Nội nói riêng và dân các thành phố lớn nói chung đang phải sống với một lá phổi bị ung thư và cái dạ dày mắc tiêu chảy cấp.
Rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm của nhánh sông Kim Ngưu. Ảnh: Q.M
Báo động ô nhiễm nguồn nước ngầm
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí người ta đã đề cập đến khá nhiều với những con số thống kê mà người bàng quan nhất cũng không thể làm ngơ.
Nhưng gần đây, một vấn đề nổi lên và trở nên nghiêm trọng không kém, đó là sự ô nhiễm nguồn nước.
Nước là một trong những tài nguyên quan trọng không thể thiếu, và là nguồn sống của bất cứ một loài sinh vật nào sinh sống trên trái đất, cụ thể hơn nó quyết định sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc.
Thế nhưng, ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng cao, dường như người ta đang quên đi việc gìn giữ và bảo tồn nguồn nước sạch, quyết định đến sự sống của mỗi chúng ta.
Việc lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất, chế biến, sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp khiến nguồn nước của chúng ta đang bị đe dọa ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm nước xảy ra đặc biệt nghiêm trọng ở các đô thị lớn của chúng ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là hai đô thị lớn với rất nhiều sông ngòi, kênh rạch chạy trong và xung quanh thành phố.
Tuy nhiên, ở hai thành phố này, nước thải sinh hoạt phần lớn không có hệ thống xử lý tập trung mà đều xả trực tiếp ra sông, hồ, kênh, mương.
Tổng lượng nước thải của thành phố Hà Nội, theo báo cáo của Uỷ Ban Khoa Học Công Nghệ&Môi Trường (Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường) lên tới 300.000-400.000 m3/ngày cộng với lượng rác thải sinh hoạt chưa thu gom được đang ngày ngày được xả xuống các khu đất, ven hồ, xuống sông, hồ, kênh, mương trong nội thành.
Vì vậy chỉ số BOD, oxy hòa tan, các chất NH4, NO2 ở các sông, hồ, kênh, mương nơi đây đều vượt quá quy định cho phép gấp nhiều lần.
Cũng theo bản báo cáo của ủy ban này, lượng nước tạo ra trong lãnh thổ nước ta chỉ chiếm khoảng 37,5 phần trăm, số còn lại phụ thuộc vào nguồn nước từ lãnh thổ các quốc gia trên thượng nguồn sông Mekong, sông Mã, sông Hồng chảy vào.
Riêng trữ lượng nguồn nước ngầm cũng chỉ ở mức trung bình so với các nước trên thế giới, có thể khai thác khoảng 10-12 tỷ m3/năm nhưng hiện chỉ khoảng 20 phần trăm dự trữ nước ngầm được khai thác.
Lại theo một thống kê khác, lần này là của ngành Thủy sản thì tổng diện tích mặt nước sử dụng cho nuôi trồng thủy sản trong cả nước ước khoảng 800.000 ha.
Do nuôi trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật nên đã tác động tiêu cực đến môi trường nước. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều sử dụng Clorin để tẩy rửa, khử trùng với lượng từ vài trăm đến hàng nghìn kg/năm/cơ sở.
Do đó, nước thải của các cơ sở này có mức độ ô nhiễm vượt quá quy định cho phép từ 5-10 lần về chỉ số BOD, COD, và từ 7-15 lần về chỉ số Nitơ hữu cơ.
Nói tóm lại là có rất nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do sự chủ quan và vô ý thức của con người đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước và đẩy chúng ta đến nguy cơ của tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt...
Sự vô tư của con người
Chúng ta đã rất sợ hãi khi thông tin một loạt hệ thống hồ trong thành phố bị nhiễm phẩy khuẩn tả, nỗi sợ này sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu người ta được chứng kiến, sinh sống bên cạnh những dòng sông đen đặc chất thải và mùi hôi thối của Hà Nội.
Nếu múc một cốc nước hồ Linh Quang (hồ đầu tiên bị phát hiện nước có phẩy khuẩn tả ở Hà Nội) để bên cạnh một cốc nước sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu thì người ta sẽ thấy, nước hồ Linh Quang còn sạch chán.
Tắm rửa bằng nước giếng khoan,
bên cạnh là nước sông đen ngòm, hôi thối
Ấy vậy mà những hộ gia đình sống dọc những con sông này vẫn đang ngày ngày phải sử dụng nước giếng khoan được lấy lên ngay sát mép những con sông này.
Những con sông nước không thể chảy được vì nước quá bẩn, những con sông không thể nhìn sâu xuống dưới làn nước mặt vì màu nước đen ngòm. Thực tế, có hàng chục ngàn hộ dân đang sống cạnh những con sông mà không thể nói là sông này.
Trừ một vài nơi có nước máy, còn lại hầu hết đều sử dụng nước giếng khoan, từ ăn uống, tắm rửa nước chỉ được lọc qua một hệ thống lọc rất thô sơ rồi đem vào sử dụng ngay.
Bản thân họ, theo quan sát của chúng tôi thì cũng không ý thức được (hay không “muốn” ý thức) về việc quản lý nguồn nước sạch cho bản thân.
Bên cạnh sự vi phạm của các đơn vị sản xuất trong việc xả nước thải bừa bãi xuống sông hồ, người dân cũng “góp” một phần không nhỏ vào việc ô nhiễm nguồn nước khi cũng vô tư xả nước bẩn sinh hoạt ra ngoài mà không ý thức được rằng đang làm hại chính môi trường sống của mình.
Có ý kiến cho rằng, ở độ sâu 100m thì nước ngầm vẫn đảm bảo chất lượng, tuy nhiên với điều kiện của những hộ gia đình, ít ai có điều kiện để có thể khoan giếng sâu đến mức ấy để mong có nguồn nước sạch cho gia đình mình.
Trung bình các giếng khoan các hộ gia đình khoan chỉ có độ sâu từ 30 tới 50 mét là nhiều - theo anh Long một “chuyên gia” về khoan giếng nước ngầm ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho biết.
Được biết, Hoàng Mai là đơn vị đang sở hữu rất nhiều sông, hồ có vấn đề về chất lượng nước như sông Kim Ngưu, một phần sông Tô Lịch và các ao hồ với diện tích mặt nước khá rộng. Và Hoàng Mai cũng là một “trọng điểm” của dịch tiêu chảy cấp kinh hoàng vừa qua.
Hàng ngày chúng ta vẫn đi qua những con sông như thế này, nhưng có mấy ai dừng lại để nhìn xuống nước của dòng sông đang ngày càng bẩn thêm như thế này?
(Theo VnMedia)