Chỉ trong vòng 4 ngày, kể từ đêm 3-9, người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam phải chịu 13 trận động đất làm mất ăn, mất ngủ.
Lúc chưa có thủy điện, dân ở đây sống rất yên ổn nhưng từ khi có thủy điện thì nỗi lo ngày càng gia tăng.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, từ tháng 8-2011 đến nay, các trạm quan trắc, máy đo gia tốc đã ghi nhận đến 59 trận động đất lớn, nhỏ, trong đó có 2 trận động đất với cường độ lớn (4,2 độ Richter) ở các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn và nhiều xã của huyện Bắc Trà My. Riêng từ ngày 3 đến sáng 7-9, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra đến 13 trận động đất lớn, nhỏ.
Dựa vào nhận định của các nhà khoa học rằng động đất liên tục xảy ra có thể do 2 nguyên nhân: Hoạt động kiến tạo địa chất, đới đứt gãy đang hoạt động mạnh và động đất kích thích do nước lũ bắt đầu tràn về hồ chứa sau thời gian rút nước để xử lý sự cố thấm ở đập... có thể thấy rằng sự bất an từ thủy điện Sông Tranh 2 đã lên đến đỉnh điểm.
Trong khi lòng dân bất an, thậm chí không ít người đã nghĩ đến việc bỏ nhà sơ tán để bảo toàn tính mạng, thì phía ban quản lý thủy điện và các cơ quan có liên quan không công bố số liệu đo đạc cũng như độ an toàn của con đập một cách rõ ràng, tường tận. Thậm chí, sau khi nhận được số liệu quan trắc, đo đạc từ Viện Vật lý Địa cầu (thông báo về độ dư chấn động đất xảy ra đêm 3-9), đoàn công tác của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã có mặt ở hiện trường nhưng rồi cơ quan chuyên môn lẫn chủ đầu tư đến giờ vẫn chưa có một thông báo chính thức nào đến người dân và chính quyền địa phương.
Những tiếng nổ từ lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn ầm ầm dội về ở nhiều khu vực của tỉnh Quảng Nam, cũng có nghĩa là nỗi bất an trong lòng người dân chưa được giải tỏa.
Với những gì đã và đang xảy ra và việc quá chậm trễ công khai thông báo số liệu có liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2, có thể thấy chủ đầu tư và các đơn vị hữu trách chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với dân. Và như vậy, những câu hỏi được đặt ra từ dư luận: Tại sao khi chưa xây dựng thủy điện thì không động đất còn bây giờ xảy ra liên tục? Các nhà khoa học nói là do động đất kích thích và sẽ giảm dần nhưng vì sao tình trạng này ngày càng nhiều và mạnh lên? Cơ sở nào để bảo đảm động đất sẽ không tiếp tục mạnh lên và ảnh hưởng đến đập thủy điện?
Người dân không những muốn được trả lời rõ những câu hỏi đó mà còn cần thấy những động thái tích cực, những việc làm cụ thể của các cơ quan chức năng để thể hiện rõ trách nhiệm với dân. Hơn bao giờ hết, người dân vùng thủy điện Sơn Tranh 2 đang cần một sự yên tâm để ổn định cuộc sống. Liệu có khó quá chăng?