Liên tiếp có rung chấn
Chiều 6/9, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trận động đất vào lúc 7h17 phút sáng 6/9 đo được có cường độ mạnh 4,2 độ richter với độ chấn tiêu sâu 12,5km. Trận động đất này có tâm chấn xảy ra ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn) sát thủy điện Sông Tranh 2. Toàn bộ số liệu này được thu thập từ các trạm gia tốc của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 được Ban Quản lý thủy điện 3 gửi về.
Trước đó, trận động đất xảy ra vào tối 3/9 tại khu vực huyện Trà My (Quảng Nam) gây nên rung động gần ở mức chống chọi cực đại theo thiết kế của thủy điện Sông Tranh 2. Viện Vật lý Địa cầu ghi nhận một trận động đất mạnh nhất vào lúc 20 giờ 46 phút có cường độ 4,2 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15,217 độ vĩ bắc - 108,250 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3km. Theo thiết kế công bố, thủy điện Sông Tranh 2 có thể chống chọi với động đất cấp 6 - 7, tức khoảng trên dưới 5 độ richter.
GS Nguyễn Đình Xuyên, chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho biết, tình hình địa chất khu vục thủy điện Sông Tranh 2 khá phức tạp do đây là điểm xung yếu của vỏ Trái Đất. Hệ thống đứt gãy khu vực lòng hồ thủy điện rất phức tạp. Hơn nữa, việc tích nước của hồ cũng tạo nên những áp lực nhất định của vỏ trái đất tại khu vực này.
"Tuy nhiên tôi thấy nghi ngờ về con số công bố về khả năng chịu động đất cho thân đập của nhà thầu. Trong bản đồ phân vùng động đất tổng quan cho lãnh thổ Việt Nam, tôi có đưa vào số liệu vùng này có thể có động đất lên đến 5,5 độ richter. Rất có thể họ chép lại số liệu đó từ bản đồ chứ khả năng chống chịu được động đất cấp 6 - 7 là rất thấp", GS Nguyễn Đình Xuyên nghi ngại.
Đập thủy điện Sông Tranh 2. |
Nguy cơ một trận động đất lớn
GS Nguyễn Đình Xuyên cho biết, những trận động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 diễn ra trong thời điểm này phản ảnh đúng quy luật phát sinh động đất kích thích với biểu hiện là số lượng các trận tăng dần và năng lượng tích lũy cũng tăng theo. Bởi thế nhiều khả năng trong thời gian tới, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 sẽ phải hứng chịu những trận động đất mạnh hơn nhiều so với các trận động đất xảy ra mấy ngày qua.
Việc tất yếu dẫn đến một trận động đất chính này được giải thích bởi năng lượng từ các trận động đất phát sinh sẽ dồn và tích tụ lại, tăng dần lên trở thành đỉnh điểm. Không khẳng định, nhưng cái khả năng xảy ra một trận động đất với cường độ mạnh ở đây là có. Khả năng này vẫn còn nằm ở phía trước và không ai đoán được nó sẽ xảy ra vào lúc nào.
Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, ở khu vực Sông Tranh 2, động đất có cường độ mạnh nhất có thể xảy ra nằm vào khoảng 4,5 - 5 độ richter. Cường độ này tương đương với động đất cấp 6 - 7, có thể gây đổ nhà cửa.
Theo GS Nguyễn Đình Xuyên, đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên các đứt gãy Tam Kỳ - Đức Sơn và đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vy. Nằm trên hai đứt gãy này thì khả năng xảy ra động đất mạnh đến 5 độ richter là hoàn toàn có thể xảy ra. Trường hợp xảy ra trận động đất mạnh đến 5 độ richter, ngoài thiệt hại về nhà cửa, đập thủy điện sẽ không tránh được ảnh hưởng. Với mức độ rung chuyển đó, các khối bê tông của thân đập sẽ bị xê dịch, xô đẩy và có thể gây vỡ đập. Sự cố tương tự như vậy đã từng xảy ra ở Ấn Độ. Một trận động đất mạnh 6,3 độ richter đã làm vỡ đập. Đây là bài học chúng ta cần để tâm.
Tâm chấn động đất khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 từ tháng 11/2011 đến nay. |
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, trong hơn một năm qua có đến 58 trận động đất xảy ra xung quanh khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2. Riêng ngày 3 - 6/9 đã xảy ra 12 trận động đất, trong đó, trận động đất đêm 3/9 có cường độ 4,2 richter. Những rung chấn vừa qua có độ sâu chấn tiêu 10 - 15 km, có khả năng xảy ra trên đới đứt gãy Trà Bồng hoặc Hưng Nhượng - Tà Vi cách tuyến đập Sông Tranh 2 khoảng 3 km. |