Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt phòng cúm gia cầm. (Ảnh: TTXVN)
Loại virus này được các chuyên gia dịch tễ nhận định có độc lực mạnh, khả năng gây chết người cao.
Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp
Thống kê của Bộ Y tế về các trường hợp mắc bệnh cúm cho thấy, tính đến ngày 23/8, năm 2012 cả nước đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 người đã tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định bệnh dịch này đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trong tháng 9 và 10.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, nhóm virus H5N1 trên gia cầm mới xuất hiện từ tháng 7 và 8/2012, lây lan rất nhanh từ phía Bắc đến khu vực miền Trung. Loại virus này có độc lực mạnh, khả năng gây chết người cao.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, virus cúm có một số biến đổi, nên việc đáp ứng vắc-xin, đặc biệt là chủng virus cúm gia cầm ở phía Bắc đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin thấp hơn, kém hơn so với trước đây. Do vậy, nguy cơ rất có thể dịch lan rộng hơn.
Hiện nay, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh, hiện cả nước có 7 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Thanh Hóa có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Cúm gia cầm lây sang người qua đường hô hấp
Ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, bệnh cúm A/H5N1 đã có nhiều ở Việt Nam từ năm 2003. Thực tế đã cho thấy, những năm qua Việt Nam đã có nhiều trường hợp mắc.
Đề cập đến cách thức lây truyền bệnh từ gia cầm sang người, ông Bình khẳng định: “Thực ra đó là bệnh cúm ở gia cầm, nhưng các vi khuẩn cúm nó có thể lây sang người qua đường hô hấp.”
Ông Bình phân tích, nhiều trường hợp mắc bệnh này do hít phải vi khuẩn gây bệnh cúm từ phân của con gia cầm bị bệnh. Những con gia cầm bị bệnh nếu không được khống chế kịp thời vi khuẩn của nó sẽ xâm nhập vào môi trường sống, từ môi trường con vi khuẩn đó tiếp tục được phát tán ra. Vì vậy, người dân khi hít phải những con vi khuẩn mang mầm bệnh đó sẽ lây bệnh ngay.
Để phòng bệnh, Cục trưởng Cục y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi thấy gia cầm cúm thì phải báo cơ quan thú y, chính quyền địa phương biết để họ có biện pháp xử lý. Đặc biệt, người dân không nên tiếp xúc, không vận chuyển và giết mổ gia cầm đã bị ốm.
Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với gia cầm bị ốm thì người dân phải có các biện pháp bảo hộ cho bản thân như đeo khẩu trang, kính, găng tay, quần áo bảo hộ cá nhân để đề phòng lây nhiễm bệnh.