Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tàu Nhật không qua sông Thị Vải vì ô nhiễm

(00:03:15 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Mấy tháng gần đây, nhiều tàu của Nhật Bản từ chối vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá cho một số nhà máy qua cảng Gò Dầu (huyện Long Thành, Đồng Nai) bởi khi vào cảng tàu phải đi qua đoạn sông Thị Vải, thân tàu bị ăn mòn.

Mấy tháng gần đây, nhiều tàu của Nhật Bản từ chối vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá cho một số nhà máy qua cảng Gò Dầu (huyện Long Thành, Đồng Nai) bởi khi vào cảng tàu phải đi qua đoạn sông Thị Vải, thân tàu bị ăn mòn.

 

Sông Thị Vải mỗi ngày phải tiếp nhận 45.000m3 nước thải

 

Ngày 11/6 vừa qua, bản tin MSI Marine của một công ty bảo hiểm tàu biển Nhật Bản lên tiếng cảnh báo, qua khảo sát đã phát hiện hiện tượng đổi màu lớp sơn bảo vệ phần dưới thân tàu và lớp vỏ ngoài thân tàu bị ăn mòn đối với hầu hết các tàu ra vào cảng Gò Dầu từ năm 2007.

 

Độ dày của lớp vỏ ngoài mỏng đi khoảng 40 phần trăm, lớp sơn bảo vệ màu đỏ chỉ sau một đêm đã chuyển sang màu đen.

 

Hậu quả, nhiều doanh nghiệp tại khu vực này đang đứng trước khó khăn vì không tìm được tàu vận chuyển nguyên liệu để sản xuất.

 

Theo ông Shinya Kajita, tổng giám đốc công ty phân bón Việt Nhật (đặt tại KCN Gò Dầu), trước khi MSI Marine đưa thông tin, nhiều chủ tàu Nhật Bản cũng đã từ chối thẳng các hợp đồng vận chuyển nguyên liệu cũng như hàng hoá cho nhà máy, khiến cho tình hình hoạt động gặp khó khăn và sắp tới có thể phải ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu.

 

Tương tự, nhiều công ty khác cũng gặp nhiều khó khăn khi nhập nguyên liệu, hàng hoá qua cảng Gò Dầu như: công ty TPC, Exxon Mobile, Shell...

 

Ông Nguyễn Hữu Niếu, giám đốc nhà máy Shell cho biết, hiện nay công ty đang gặp phải áp lực lớn là không tìm được tàu đủ tiêu chuẩn để vận chuyển hàng hoá.

 

Theo ông Niếu, cách đây vài năm, một số hãng tàu lớn của Singapore đã “rỉ tai” nhau về chuyện này khi phát hiện vỏ tàu bị gỉ sét nghiêm trọng, phần trước mũi tàu không biết lý do gì đã có những lỗ thủng khoảng 4mm, nhiều mối hàn bị bong tróc.

 

Đến tháng 7/2007, nhiều chủ tàu gửi thông báo từ chối không nhận vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá cho Shell qua cảng Gò Dầu nữa.

 

Shell thử kiểm tra bằng cách đặt hai tấm sắt xuống nước, một tấm đặt ngay khu vực cảng Gò Dầu, một ở đoạn sông khác cách xa vài cây số.

 

Sau ba ngày, tấm sắt đặt ở cảng Gò Dầu đã bị gỉ sét và mặt trên xuất hiện một lớp bụi mạt màu nâu. Sau bảy ngày thì độ gỉ sét càng lớn, tấm sắt xuất hiện một số lỗ thủng rò rỉ nhỏ, trong khi tấm kia thì mức độ ăn mòn ít hơn.

 

Doanh nghiệp không được tự khảo sát

 

Theo sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai, sông Thị Vải (nằm giữa địa phận Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) có 10 khu công nghiệp đang hoạt động. Lưu lượng nước thải ra sông khoảng 45.000m3/ngày, riêng tại địa phận Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 25.000m3.

Trong một cuộc họp bàn về hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp do sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, ông Nguyễn Viết Trọng, phó giám đốc Cảng vụ Đồng Nai, cho biết, theo phản ánh của một số chủ tàu thuyền của Việt Nam ra vào cảng Gò Dầu, trước đây khoảng năm năm, tàu mới lên kỳ đà để làm đồng vỏ tàu, giờ chỉ bốn năm tàu đã phải lên đà. Trước, tàu chỉ cần dùng 6 – 10 tấn vỏ nhôm, bây giờ phải cần từ 10 – 13 tấn vỏ nhôm.

 

Một số nhà khoa học đã từng làm công tác điều tra, khảo sát và quan trắc nước sông Thị Vải, đều thừa nhận là nước sông Thị Vải có ô nhiễm cục bộ như đoạn 10km qua xã Long Thọ đến Phú Mỹ. Nhưng các thông số và hàm lượng ô nhiễm trên chưa thể xem là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng hư hỏng vỏ tàu thuyền ra vào cảng Gò Dầu.

 

Tiến sĩ Phạm Văn Phước, viện Tài nguyên môi trường cho biết: “Chắc chắn phải có sự ảnh hưởng do sự ô nhiễm của nước sông Thị Vải, nhưng kết quả quan trắc, hàm lượng amoniac, BOD và COD chưa phải vượt ngưỡng để gây ảnh hưởng lớn đến tàu thuyền”.

 

Theo tiến sĩ Phước, để xác định mức độ ảnh hưởng đến đâu, cần phải làm một số phương pháp điện hoá mới biết. Ông Phan Văn Hết, phó giám đốc sở Tài nguyên&Môi trường Đồng Nai cũng cho rằng chưa thể kết luận được nguyên nhân chính xác, sở sẽ làm khảo sát và phân tích mẫu.

 

Hiện nay, nhiều công ty ở khu vực cảng Gò Dầu đã bàn với nhau để thuê công ty tư vấn môi trường quốc tế đến khảo sát, quan trắc chất lượng nước để tìm ra nguyên nhân.

 

Tuy nhiên, ông Hết cho rằng, việc này sẽ do cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện, luật pháp Việt Nam chưa cho phép các doanh nghiệp tự làm việc này, mà chỉ được quyền phản ảnh lên các cơ quan hữu quan để đề nghị xem xét và xử lý.

 

Ông Hết cũng cho biết thêm, sở sẽ báo cáo bộ Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ để tìm hướng giải quyết.

 

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)