Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Bạn Hoàng Văn Thiện làm thêm ở xưởng gỗ - Ảnh: Tr. Tân |
Hai trong số các bạn trẻ giỏi giang nhưng nghèo khó ấy được nhận học bổng lần này.
Lo không vay được tiền
“Nhận được giấy báo của cháu, mấy ngày nay tôi lo lắng không ngủ được vì đi vay tiền khắp nơi mà chưa có. Tôi giấu nhưng cháu biết. Cho nên mấy ngày nay cháu lặng lẽ đến những nơi cháu thường làm thuê xin việc làm” - bà Lê Thị Tám, mẹ bạn Hoàng Văn Thiện, tân sinh viên ngành kỹ thuật dầu khí Trường đại học Dầu khí VN, tâm sự. Còn Thiện nói về ước mơ của mình: “Mình có đam mê với ngành cơ khí, hóa dầu, mong được đứng trên những giàn khoan giữa biển cả bao la”.
Cha mẹ Thiện chia tay từ khi bạn còn nhỏ, Thiện ở với mẹ và chị gái trong căn nhà tình thương tại thôn 7, xã Đắk Blao (Đắk Mil, Đắk Nông). Không đất, cuộc sống gia đình Thiện phụ thuộc vào những đồng tiền làm thuê của mẹ. Nhà nghèo, chị gái Thiện nghỉ học rồi lập gia đình ở xa, còn Thiện dù bao khó khăn vẫn cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống của mình.
Suốt ba năm cấp III, một buổi đến lớp, buổi còn lại Thiện làm “thợ đụng” để phụ giúp mẹ trong cuộc sống nhọc nhằn. Cứ không đi học là Thiện đến xưởng sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ gần nhà. Ông chủ giao cho Thiện chà giấy nhám, cắt chữ, hình trang trí bằng gỗ hay vẽ bút lửa lên các sản phẩm mỹ nghệ. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và phải chịu khó. Những ngày xưởng không có việc Thiện đi quanh xem có ai thuê đào bồn, lấp lá, dọn cỏ cho vườn cà phê.
Kỳ thi vừa rồi Thiện đậu vào ĐH dầu khí và ĐH Tây nguyên ngành môi trường và đã chọn ngành kỹ thuật dầu khí. Nhưng mới nghĩ đến các chi phí đi lại, ăn ở Thiện đã lao đao. Chị gái thương em nhưng cũng khuyên ở nhà chứ tiền đâu đi học. Mẹ Thiện cắt ngang: khó, khổ mấy cũng để Thiện đi học, bỏ lỡ ước mơ như vậy sau này có giàu cũng không mua lại được.
Rồi bà Tám tất tả chạy vạy, gọi điện khắp các nơi quen để vay vài triệu đồng làm lộ phí cho con nhưng chưa ai cho vay, một phần họ sợ bà Tám không trả nổi. Bởi tài sản duy nhất của cả gia đình là đôi bàn tay bà đi làm thuê chắt chiu từng đồng vừa bị gãy do té ngã, không làm được việc nặng nữa. “Chỉ cần có chút tiền để đi học, rồi mình sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Ngành kỹ thuật dầu khí là ước mơ từ rất lâu nên mình sẽ cố gắng để được đến giảng đường dù biết bao khó khăn phía trước...”, Thiện bày tỏ.
|
Bạn Phạm Thị Thu tranh thủ phụ giúp gia đình trước lúc nhập trường... - Ảnh: Tr. Tân |
Muốn học lên cao
Cũng giống như Thiện, hoàn cảnh của gia đình bạn Phạm Thị Thu (tổ dân phố 8, thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) rất chật vật. Cả gia đình sáu người nhưng chỉ có 5 sào đất trồng cà phê chưa thu hoạch và cái quán con con ven đường. Để có thêm thu nhập, cha mẹ Thu phải đi làm thuê và nuôi thêm mấy con heo.
Từ nhỏ Thu đã mê ngành VN học (ĐH Văn hóa TP.HCM). “Mình thích nghiên cứu những vấn đề về VN trong thời kỳ hội nhập, tìm hiểu về văn hóa VN và các nước”, Thu cho biết. Nhưng nghĩ về bốn năm sắp tới, Thu và mẹ tần ngần nhìn nhau. Lứa heo con đã bán cách đây ít tháng rồi, nay con gái vào ĐH mà chưa chuẩn bị khoản nào cho con đi khiến lòng mẹ như thiêu đốt.
Mẹ Thu, bà Nguyễn Thị Sim, cho biết cũng vừa vay được một ít tiền làm lộ phí cho con, nhưng tiền này chỉ vừa vặn để đóng tiền trường, tiền ăn tháng đầu còn chưa có nên đang cố đi vay thêm. Người ra vào hàng quán gia đình Thu cứ hỏi Thu đi học trường nào, đã chuẩn bị liên hoan chưa, Thu và bố mẹ chợt cười rồi chợt tắt. Vì tin vui đậu đại học cả xóm biết, thầy cô biết nhưng tiền đi học còn chưa biết kiếm đâu, nghĩ chi đến liên hoan như con nhà người khác.
Hôm chúng tôi đến, Thu vừa đi trồng khoai lang ở rẫy về và đang cho heo ăn phía sau nhà. Ngôi nhà của gia đình Thu nằm chênh vênh sát quốc lộ 14 - chênh vênh như sự học của bạn - phải đi vòng ra ngoài, đi sâu xuống phía dưới để xuống chỗ nuôi heo. “Mình biết để được đi học cha mẹ phải cực khổ quanh năm. Mình tin chỉ cần được đi học, mình sẽ đi làm để tự kiếm sống và có thể còn học lên cao nữa”, Thu cứng cỏi.