Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần làm rõ về phương pháp luận ĐTM, tính khả thi của việc điều tiết nước về phía hạ lưu, các thông tin chi tiết về hiện trạng rừng và mức độ đa dạng sinh học, văn hóa bản địa tại khu vực dự án…
Rừng bị mất không nhỏ
Đối với tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cần xem xét và đánh giá cẩn trọng các vấn đề về mất vĩnh viễn diện tích rừng, suy giảm đa dạng sinh học, rủi ro và sự cố môi trường.
Dự án thủy điện Đồng Nai 6A lựa chọn phương án mực nước dâng 175 m và đánh giá là giảm diện tích rừng bị mất vĩnh viễn so với phương án dâng 177 m là khoảng 15 ha, trong đó chỉ có 2 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Nam Cát Tiên. Như vậy với phương án này, diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt bị ngập là 25 ha trên tổng số 107 ha đất rừng bị ngập.
Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6, lựa chọn phương án mực nước dâng 224 m thì diện tích chiếm đất vĩnh viễn là 171,36 ha (155,35 ha diện tích lòng hồ và 16,01 ha diện tích công trình chính), trong đó có 77,36 ha thuộc VQG Nam Cát Tiên.
Tuy nhiên, trong báo cáo chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn. Các phương án truyền tải chưa được nêu ra, mặc dù hành lang an toàn theo quy định là không lớn nhưng lại kéo dài và như vậy diện tích đất và rừng bị mất là con số không nhỏ.
Vi phạm vào khu bảo tồn
Nếu đứng trên quan điểm của các nhà bảo tồn đa dạng sinh học, căn cứ theo luật đa dạng sinh học thì rõ ràng cả 2 dự án đều vi phạm vào khu bảo tồn thuộc VQG Nam Cát Tiên. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất tổng số gần 300 ha đất rừng, trong đó 25 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt và 77 ha rừng phòng hộ.
Cũng theo đánh giá của báo cáo ĐTM VQG Nam Cát Tiên là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc những loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Theo các chuyên gia đa dạng sinh học nhiều năm gắn bó với rừng Cát Tiên, hiện trạng rừng Cát Tiên ngoài rừng nghèo kiệt và tre nứa thuần loại còn có các hệ sinh thái như rừng hỗn giao cây gỗ và tre nứa, rừng ngập nước ven suối và sông...
Nhiều loại thực vật quý hiếm và đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy như cẩm lai, gỗ đỏ, gỗ mật, trắc và động vật như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, culi nhỏ, sóc đen lớn… Để cập nhật các số liệu xác thực, rất cần nhóm chuyên gia độc lập tiến hành khảo sát thực địa để minh chứng, cung cấp cho Bộ Tài nguyên - Môi trường và Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện này.
Rừng hỗn giao với các cây gỗ lớn và tre nứa tại khu vực dự kiến
xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A
Mất rừng là mất tất cả!
Rừng là bộ phận kết cấu hạ tầng sinh thái của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nhận xét: Không có thủy điện vẫn có giải pháp khác thay thế, còn khi mất rừng là mất tất cả! Giữa tháng 9 này, đoàn chuyên gia của thế giới sẽ bắt đầu đến Việt Nam xem xét, đánh giá hồ sơ di sản thế giới của VQG Nam Cát Tiên. Bởi vậy, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cần được tiếp tục bổ sung làm rõ các vấn đề tồn tại.
Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường bao gồm nhiều nhà quản lý và khoa học của các ngành ở Trung ương và địa phương. Do tính chất nhạy cảm và phức tạp của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nên thực hiện theo cơ chế “thẩm định mở”, có nghĩa là mời cả đại diện của các tổ chức phản biện không tán thành hoặc có ý kiến băn khoăn về dự án như Mạng lưới Sông ngòi, nhóm yêu quý bảo vệ rừng Cát Tiên... cùng tham dự.
Nhiệm vụ của những người ra quyết định là phải biết lắng nghe phản biện xã hội, tôn trọng các ý kiến đa chiều, cân nhắc thận trọng, dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định một cách khách quan và khoa học để có quyết định hợp lý nhất. |