Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Phương Liên, phòng Sinh thái học côn trùng, viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam) về một số vấn đề liên quan đến những loài ong độc.
Phóng viên: Thưa TS, Việt Nam hiện có bao nhiêu loài ong và có bao nhiêu loài ong độc?
-TS Nguyễn Thị Phương Liên: Việt Nam hiện có rất nhiều loài ong mà chưa có những thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, những loài ong đốt có thể gây độc chủ yếu là ong xã hội bắt mồi họ Vespidae. Các loài ong xã hội bắt mồi họ Vespidae ở Việt Nam đến nay đã thống kê được gần 100 loài. Đặc điểm chung của các loài này là các loài ong ăn thịt chứ không phải là ong thụ phấn, lấy mật. Tất cả gần 100 loài này đều có thể đốt nhưng đốt gây nhiễm độc nặng dẫn đến tử vong thì chỉ có các loài thuộc giống Vespa. Giống Vespa ở nước ta có 10 loài, trong đó có những loài có kích thước lớn như ong vò vẽ (Vespa affinis), ong bắp cày (Vespa ducalis), ong mặt quỷ (Vespa velutina)… Chúng sống theo bầy đàn (xã hội) nên chỉ cần đánh động để một con đốt là cả tổ cùng hùa ra đốt theo. Khi bị đốt nhiều thì sẽ bị trúng độc ong, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Những loài ong độc này sinh sống ở khắp các vùng trong cả nước, nhất là khu vực miền Bắc ở các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu.
Phóng viên: Dựa vào những đặc điểm nào để phân biệt được ong độc và ong thường, thưa TS?
Các nhà khoa học Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật đang lấy mẫu để phân loại ong trong phòng thí nghiệm |
-TS Nguyễn Thị Phương Liên: Có thể phân biệt bằng mắt thường các loài ong độc thông qua đặc điểm hình thái bên ngoài và cách tổ chức làm tổ của chúng. Những loại ong độc thường có đặc trưng là có màu vàng và đen, cơ thể to lớn, kích thước trung bình từ 3-4cm trở lên, có những con ong bắp cày tới 4,5-5cm. Những loài ong độc thì làm tổ rất đa dạng, có những loài làm tổ trên cao dưới tán cây, dưới mái hiên nhà cao tầng nơi đông dân cư sinh sống, có loài làm tổ sát mặt đất nhưng cũng có loài làm tổ bên dưới mặt đất. Tổ của những loài ong độc thường to, bên trong xếp thành từng tầng lớp, có màu xám hay nâu xẫm và có một lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài. Bên trong có rất nhiều cá thể, có khi hàng trăm con.
Phóng viên: Bình thường ong có tự động tấn công người không?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Tùy đặc điểm sinh học, sinh thái của từng loài mà chúng hiền hay dữ dằn khi gặp người. Trong quá trình nghiên cứu về ong, tôi thấy phần lớn các loài ong không tự nhiên tấn công người, chỉ khi có sự tác động vào tổ của nó thì nó mới tấn công lại. Người đi rừng vô tình đụng phải hoặc ở nhà trẻ em hiếu động thấy tổ ong rồi cầm gậy gộc, đất đá ném, chọc phá, ong thấy động sẽ bổ nhào ra đốt. Bình thường chúng hiền, chỉ cứ bay đi bay về để kiếm ăn.
Tuy nhiên, cũng có một số loài rất dữ như ong mặt quỷ chẳng hạn, không cần phải động vào tổ của nó nhưng khi lao động, làm việc hay đứng tụ tập đông người gần tổ của nó, ngửi thấy mùi mồ hôi chúng cũng sẽ bay ra đốt.
Phóng viên: Thưa TS, có tính được độ độc của ong chưa? tại sao ong độc đốt lại có thể gây nguy hiểm cho người?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Hiện nay chưa có những nghiên cứu cụ thể và chi tiết xác định về độ độc của ong độc. Đến nay các nghiên cứu đều cho rằng 10 loài ong thuộc giống Vespa được đánh giá là những loài ong độc nhất. Chỉ cần bị đốt 3 nốt cũng có thể gây sưng tấy, đau buốt và sốt cao. Đối với những con ong to như ong mặt quỷ, ong bắp cày nếu bị đốt đến 20 nốt cũng có thể dẫn đến chết người nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời do kích thước lớn và độ độc cao, nhiều người còn cho rằng, độ độc của những loài ong này tương đương với nọc độc của một số loài rắn độc .
Điều nguy hiểm nhất của những loài ong bắt mồi ăn thịt này là khi đốt nó sẽ đốt được nhiều nốt chứ không như ong mật. Ngòi đốt của ong mật do có ngạnh nên khi nó đốt người xong, rút ngòi ra thì cái ngạnh đó vướng lại ở dưới da và rút theo ruột của chúng nên bị chết. Còn những loài ong độc vì ngòi đốt rất trơn và thẳng nên sau khi đốt xong chúng lại rút ngòi ra được và đi đốt tiếp nốt khác. Vì thế mà có những trường hợp bị cả trăm nốt ong đốt không phải là bị cả trăm con ong cùng đốt, có khi chỉ vài ba chục con đốt, đốt hết nốt này đến nốt khác. Có một điều cũng cần lưu ý là, trong một tổ không phải con nào cũng có thể đốt người mà chỉ có con cái đốt thôi chứ con đực không đốt.
Tổ ong độc thường to được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng bên ngoài. |
Phóng viên: Thời gian nào trong năm thì ong đốt người nhiều nhất?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Khoảng tháng 5 đầu mùa hè, cũng là lúc ong bắt đầu làm tổ, khi đó cũng chỉ có ít cá thể nên chưa nguy hiểm. Nhưng đến khoảng tháng 7, tháng 8 khi tổ đã hoàn thiện, số lượng cá thể đông nhất cũng là lúc chúng trở nên nguy hiểm nhất. Càng về mùa đông khi nhiệt độ trong năm bắt đầu giảm thì ong sẽ ít hoạt động hơn nên chúng ít nguy hiểm hơn.
Phóng viên: Vai trò của những loài ong bắt mồi trong đa dạng sinh học?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Những loài ong bắt mồi thường có thụ phấn, có đi lấy mật hoa trong những trường hợp chúng thiếu thức ăn nhưng không sinh mật như các loài ong mật. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loài sâu bọ, côn trùng, các loài động vật có protein. Vì là loài bắt mồi nên chúng cũng là những loài ong có ích, các nhà khoa học và nông dân thường dùng chúng làm thiên địch để phòng trừ sâu hại cây trồng. Hiện nay, người ta phun thuốc trừ sâu rất nhiều, không tốt cho chất lượng của rau, củ quả và môi trường nên nuôi ong thiên địch đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng, còn ở Việt Nam thì còn rất ít và chưa được nhân rộng.
Tuy nhiên, 10 loài ong độc thuộc giống Vespa thì không nên dùng làm thiên địch thả ra đồng ruộng vì có thể gây nguy hiểm, mà để chúng sinh sống ngoài tự nhiên.
Phóng viên: Khi bị ong độc đốt thì cần có các biện pháp sơ cứu như thế nào?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Tốt nhất là không nên lại gần các tổ ong độc, không nên chọc phá tổ của chúng. Nếu phải tiếp xúc với chúng thì cần có các loại quần áo, gang tay, mũ, kính bảo hộ an toàn. Trong trường hợp bị ong độc đốt có thể lấy vôi, dầu bôi vào các vết đốt. Sau đó, phải đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế gần nhất.
Phóng viên: Theo TS có nên để ong vào nhà làm tổ?
TS Nguyễn Thị Phương Liên: Trong dân gian, nhiều người cho rằng ong vào nhà làm tổ là “có lộc”. Đối với các loài ong mật, ong thông thường thì không sao nhưng theo tôi không nên mạo hiểm với ong. Đặc biệt là đối với những loài ong thuộc giống Vespa có đặc điểm nhận biết như đã nói ở trên, nếu chúng làm tổ trong nhà, nơi sinh sống thì tuyệt đối không nên bởi rất nguy hiểm. Cần phải có biện pháp để xua đuổi chúng ngay từ lúc chúng bắt đầu xây tổ chứ để đến khi tổ xây hoàn thành, số lượng cá thể đã nhiều thì việc xua đuổi sẽ khó khăn hơn, thậm chí chúng còn tấn công lại người gây nguy hiểm đến tính mạng.
Xin cảm ơn TS.
Nghiên cứu trên 70 bệnh nhân bị ong đốt tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy có nhiều loại ong độc đốt, nhất là ong vò vẽ (38 bệnh nhân), ong bắp cày (3 bệnh nhân), ong mật (8 bệnh nhân)... Có bệnh nhân bị ong đốt đến gần 300 nốt. Trong 70 bệnh nhân này có tới 15 người bị suy thận cấp (chiếm 21,4% số người bị ong đốt) và đa số phải sống nhờ chạy thận nhân tạo. |