Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo báo cáo của Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI), 20 triệu ha đất canh tác trên thế giới đang được tưới bằng nước thải. Đây là một hiện tượng đang phổ biến, đặc biệt là ở các nước châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc, và Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với nạn khan hiếm nước nặng nề và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lần đầu tiên kể từ thập niên 70, báo cáo này vừa được công bố tại hội nghị quốc tế về nước ngày 18/08 ở Stockholm, Thụy Điển, nhân Tuần lễ nước thế giới năm 2008.
Lợi và hại
Theo IWMI, nước thải được dùng để tưới cho trên 50 phần trăm đất nông nghiệp đô thị tại hơn 70 phần trăm số thành phố được khảo sát. (Ảnh: AFP) |
Nữ Tiến sĩ Liqa Raschid-Sally của IWMI cho rằng việc sử dụng nước thải để tưới các loại cây lương thực, chủ yếu là rau và lúa, ở các vùng đô thị là một tập quán vừa có lợi vừa có hại. Có lợi là vì điều đó góp phần tăng cường nguồn cung cấp thực phẩm cho đô thị và tạo ra việc làm cho người nghèo, nhất là phụ nữ và người di cư từ các vùng nông thôn. Nhưng điều đó rõ ràng đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là những người thích ăn rau sống.
Tại nhiều khu vực trên thế giới, phụ nữ nghèo hưởng lợi nhiều nhất từ việc trồng trọt trong và xung quanh các khu đô thị. Họ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp rau tại một số thành phố ở châu Phi, Trung Á và châu Mỹ La tinh, và chiếm hơn 70 phần trăm trong tổng số nông dân thành thị. Việc bán sỉ và lẻ các loại rau giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn công việc đồng áng ở nông thôn.
Tại thủ đô của Ghana là Accra - nơi có dân số gần hai triệu người - có khoảng 200.000 người hằng ngày tiêu thụ rau được sản xuất từ 100 héc-ta đất nông nghiệp đô thị được tưới bằng nước thải. Bà Raschid-Sally nhận xét: “Điều đó cho thấy việc trồng rau như thế vừa giúp thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng đô thị lại vừa có hại cho họ”.
Theo IWMI, nước thải được dùng để tưới cho trên 50 phần trăm đất nông nghiệp đô thị tại hơn 70 phần trăm số thành phố được khảo sát. Người tiêu thụ ở tất cả 53 thành phố nói rằng họ muốn tránh dùng rau được nuôi bằng nước thải nhưng họ không thể biết được nguồn gốc của các loại rau quả mà họ mua.
Trong khi đó, nông dân nghèo thành thị biết rằng việc trồng rau bằng nước thải có hại cho sức khỏe của người tiêu thụ và của chính họ, nhưng họ không thể làm khác được bởi vì nguồn nước ngầm an toàn ở các khu đô thị thì quá hiếm. Kết quả là họ cứ dùng nước thải hay nước sông bị ô nhiễm để tưới rau và lúa!
Theo bà Liqa Raschid-Sally, không chỉ những người nghèo thường ăn thực phẩm đường phố rẻ tiền bị đe dọa về sức khỏe mà ngay cả những người giàu thích ăn những loại rau quả lạ nhập khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng.
20 triệu ha được tưới bằng nước thải
Tưới cây nông nghiệp bằng nước thải là một hiện tượng phổ biến (Ảnh: IWMI) |
Báo cáo nêu rõ: "Tưới cây nông nghiệp bằng nước thải không chỉ là tập quán ở các nước nghèo nhất, mà là một hiện tượng đang phổ biến trên 20 triệu hec-ta đất canh tác trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc, và Việt Nam”. Tình hình đó cũng được ghi nhận ở nhiều thành phố ở châu Mỹ La tinh và hầu hết các thành phố ở tiểu vùng Sahara thuộc châu Phi.
Theo IWMI, việc dùng nước thải cho nông nghiệp đô thị không chỉ đang lan rộng mà còn là điều khó tránh khỏi tại các nước đang phát triển. “Chừng nào mà các nước này còn thiếu phương tiện vận chuyển phù hợp để đưa các loại rau quả khó bảo quản từ nông thôn đến thành thị, thì việc trồng rau tại các thành phố vẫn còn có một vai trò quan trọng”.
Tình trạng khan hiếm nước nói chung và nước sạch nói riêng khiến nông dân thành thị không có lựa chọn nào khác ngoài việc dùng nước thải loãng, nước thải chưa xử lý hoặc nước sông bị ô nhiễm để tưới cây lương thực.
Sử dụng nước thải một cách an toàn
Rau được trồng bằng nước thải ở Ghana (Ảnh: IWMI) |
Theo IWMI, vài nước đang phát triển báo cáo rằng họ có những hướng dẫn chính thức về việc sử dụng nước thải cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng cho dù họ có làm điều đó thì việc thực thi và giám sát cũng hiếm khi xảy ra, hoặc không thể thực hiện được, nhất là ở những nơi mà nguồn nước đã bị ô nhiễm trên diện rộng. “Kết quả là, dù việc dùng nước thải bị cấm hay được kiểm soát trên lý thuyết, nhưng trong thực tế thì tập quán đó vẫn được “chấp nhận một cách không chính thức”.
Trong những điều kiện như vậy, IWMI không kêu gọi ban hành lệnh cấm sử dụng nước thải cho sản xuất nông nghiệp, bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng đô thị, nông dân nghèo và những người sống lệ thuộc vào nông nghiệp đô thị”.
IWMI ủng hộ những hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế thế giới về việc thay thế những tiêu chuẩn khó đạt được về chất lượng nước bằng những mục tiêu bảo vệ sức khỏe một cách thực tế. Theo đó, những quốc gia thiếu phương tiện xử lý nước thải phù hợp vẫn có thể giảm nguy cơ về sức khỏe bằng những biện pháp ít tốn kém, như xây dựng các qui định về sử dụng nước thải an toàn, khuyến khích nông dân thực hiện thủy lợi nhỏ, và hướng dẫn người tiêu dùng rửa rau đúng cách.
Theo IWMI, việc áp dụng những tập quán mới cũng giúp giảm mức độ nguy hiểm của nước thải. Chẳng hạn như ở Indonesia, Nepal, Ghana và Việt Nam, nông dân trữ nước thải trong ao rồi vớt bỏ những chất thải trôi lơ lửng trong nước. Dù quá đơn giản, nhưng cách làm này cũng giúp loại bỏ một phần trứng giun sán và vi khuẩn trong nước thải.
(Theo Science Daily, AFP, Vietnamnet)