Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thêm hai món ăn đặc sản Việt Nam được xác lập kỷ lục Châu Á

(09:07:20 AM 02/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Vào lúc 16 giờ, ngày 30 tháng 08 năm 2012, tại Faridabad, Ấn Độ - Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức công nhận và xác lập thêm 2 món ăn Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử trước đây theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực châu Á” của Tổ chức kỷ lục châu Á qui định, đó là món Mì Quảng và Bún bò Huế

Bún bò Huế

 

Bún bò Huế là một trong những món ăn mang hương vị đặc trưng của xứ Huế. Một tô bún bò đậm đà mùi thơm của sả, vị cay của ớt, vị béo của thịt, chả, dầu ăn và huyết heo.

 

Cũng như nhiều món ăn đặc trưng của Huế, bún bò rất cầu kỳ trong cách chế biến. Đầu tiên, thứ được coi là "linh hồn” của món bún bò chính là nước lèo. Nước lèo được hầm từ xương heo, xương bò với một vài loại củ. Nước lèo ngon là nước phải trong, ngọt thanh, không mỡ màng. Gia vị chủ lực của bún bò Huế gồm mắm ruốc, sả, ớt cùng nước mắm. Tinh dầu của sả có mùi thơm nồng, đủ mạnh để trung hòa mùi mắm ruốc và giúp cho mùi giò heo luộc vừa chín tới, mùi thịt bò trộn cùng chút mắm ruốc, tiêu hành, nước mắm trở nên dịu và ngào ngạt thơm.

 

Nếu sả tạo nên hương cho nồi nước bún thì mắm ruốc tạo nên vị. Mắm ruốc phải đánh cho tan loãng rồi gạn bỏ bã. Nêm lúc bắt đầu nấu nước để tránh nặng mùi. Nêm mắm ruốc cầnphải đúng liều lượng thì nồi nước lèo mới có mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà.

 

Thịt bò cho món bún bò Huế phải là thịt nạm. Thịt bò đem luộc trong nồi nước lèo đến khi chín vớt ra để nguội rồi đem xắt lát, không dày cũng không mỏng quá. Heo phải là heo cỏ, một giống heo được nuôi bằng các loại rau, chuối trộn lẫn với cám gạo, bắp. Heo càng lớn thịt càng rắn chắc chứ không béo ục ịch. Do đó, giò heo chỉ lớn vừa phải, vừa chắc, vừa thơm, lại vừa ít mỡ.

 

Tất cả làm nên tô bún bò Huế với nước lèo để lộ những sợi bún trắng nằm xếp lớp; vài lát ớt màu đỏ nổi bật trên nền xanh pha trắng của rau hành, quyện với những váng sao của tinh dầu sả nhưng vẫn không che được miếng giò heo trắng ngả vàng với lớp da mỏng, ôm khoanh thịt nạc và miếng xương tròn ở giữa, trông như nhụy hoa ẩn mình trong tấm rèm màu nâu đỏ với những đường vân màu vàng nhạt của những lát thịt bò bắp. Lấy đầu đũa gắp ít ớt tương hoặc ớt ruốc, nhúng vào tô bún, ớt sẽ từ từ tỏa bung ra như hoa nở trên mặt nước bún, và chất cay cũng thong thả lan tỏa quanh tô bún, bốc lên mũi khiến thực khách, dù chưa ăn, cũng phải hít hà.

 

Bún bò Huế được ăn với nhiều loại rau sống. Đó là rau muống bào, bắp chuối xắt ghém, giá, tía tô, húng quế… Tô bún bò với tất cả hương vị đặc trưng đã được thực khách ở nhiều nơi đón nhận. Vì thế, nó đã theo chân người dân xứ Huế đến với mọi miền đất nước và trở thành một món ăn phổ biến.

 

Có thể nói, bún bò Huế đã làm cuộc xuyên Việt để có mặt ở nhiều tỉnh thành, vùng miền trong nước. Tuy có nhiều biến tấu khác nhau nhưng mùi vị đặc trưng của nước lèo trong món bún bò Huế thì không lẫn vào đâu được.

 

Đơn vị sở hữu kỷ lục: tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

 

Mì Quảng 

 

Mì Quảng là một món ăn luôn mời gọi bạn khi đặt chân đến Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế biến từ gạo nhưng lại có hương vị và hình thái riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này có nguồn gốc xuất xứ từ Quảng Nam.

 

Sợi mì được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Ðể làm mì, người ta dùng gạo ngon ngâm nước cho mềm, đem xay thành nước bột mịn, không đặc không lỏng, rồi đem tráng thành lá mì. Khi lá mì chín vớt ra đặt lên mâm cho nguội, dùng hành lá nhúng dầu phụng thoa sơ một lớp cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi, được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ dòn, dai.

Khi ăn, bên dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Ngoài ra, còn bỏ thêm đậu phộng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng (nước nhưng) rất ít.

 

Về nước nhưng (nước chan ăn với mì) được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là tôm, thịt hay thịt gà. Nước nhưng mì không cần nhiều màu mè, không cần nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt. Cái ngọt này đặc biệt khác với vị ngọt của nước phở nấu bằng xương bò, nước nhưng của bún hầm xương heo.

 

Rau sống để ăn với mì Quảng thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông bắc phố cổ Hội An. Khi ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng vị. Chỉ có rau ở vùng này mới có nhiều mùi vị: cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

 

Ở thành phố Hồ Chí Minh, khu làng dệt Bảy Hiền, một khu người Quảng Nam sinh sống cũng có nhiều tiệm mì Quảng. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là những tiệm mì Quảng ở Hội An, Tam Kỳ… tỉnh Quảng Nam.

 

Đơn vị sở hữu kỷ lục: tỉnh Quảng Nam.

Tính đến thời điểm này đã có 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á. 10 món trước đây gồm có: 1. Phở Hà Nội - Đơn vị sở hữu: Thành phố Hà Nội; 2. Bún chả Hà Nội – Đơn vị sở hữu: Thành phố Hà Nội; 3. Bún Thang Hà Nội - Đơn vị sở hữu: Thành phố Hà Nội;  4. Bánh Đa Cua Hải Phòng – Đơn vị sở hữu: Thành Phố Hải Phòng; 5. Cơm cháy Ninh Bình - Đơn vị sở hữu: Tỉnh Ninh Bình; 6. Miến Lươn Nghệ An - Đơn vị sở hữu: Tỉnh Nghệ An ;7Phở Khô Gia Lai - Đơn vị sở hữu: Tỉnh Gia Lai;  8. Bánh Khọt Vũng Tàu - Đơn vị sở hữu: Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.9. Gỏi cuốn Sài Gòn - Đơn vị sở hữu: Thành phố Hồ Chí Minh;10. Cơm Tấm Sài Gòn - Đơn vị sở hữu: Thành phố Hồ Chí Minh.

TMT