|
Ảnh minh họa: Sản phụ sau sinh |
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, ở xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội vừa sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ do thai to. Mới sinh chưa được một tháng, ai đến thăm chị cũng thở vắn than dài và nhờ người thân quen "can thiệp" giúp bởi theo chị thì chế độ ăn của mình đang "hà khắc"; cái muốn ăn thì không được ăn, cái không muốn ăn lại bị ăn suốt ngày.
Theo BS Phó Đức Nhuận, nguyên Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, với các bà mẹ khi có thai cũng như sau khi đẻ, kể cả sau khi mổ đẻ, việc ăn uống hằng ngày không phải chỉ cho riêng bản thân mình mà còn để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho thai (khi còn trong bụng mẹ) và sơ sinh (sau khi đẻ hoặc mổ).
Vì thế, người ta thường nhắc "việc ăn uống của bà mẹ lúc này là cho 2 người" để lưu ý bà mẹ và gia đình quan tâm hơn, giúp bà mẹ ăn nhiều hơn cả về lượng cũng như về chất so với lúc không có thai. Tuy nhiên đừng hiểu nhầm là phải "ăn bằng hai người", mức ăn chỉ nên tăng hơn trước 25%.
Để đảm bảo việc phát triển bình thường của bà mẹ cũng như của thai nhi, ngoài số lượng cơm và thức ăn tăng lên cần lưu ý ăn đủ các chất như đạm, bột đường, mỡ cụ thể là thịt, cá, cua, ốc, trứng, sữa, dầu, các loại rau quả tươi...
Tất cả các loại thực phẩm bà mẹ thích ăn lúc không có thai đều có thể ăn được lúc mang thai và sau đẻ (kể cả mổ đẻ), chỉ có điều cần chọn thực phẩm tươi, ngon, không ăn các thức ăn để lâu, đã bị ôi thiu.
Quan niệm cho rằng, sau mổ ăn cơm nếp vết mổ sẽ sưng nề, ăn rau muống sẹo mổ sẽ lồi, kiêng thịt gà, bún hoặc rau cải... đều không có cơ sở khoa học.
Nếu cần kiêng thì kiêng các gia vị kích thích mạnh như ớt, hạt tiêu, dấm, các đồ uống có hơi (ga).