Rừng nghèo, kiệt theo nhận xét của đoàn khảo sát do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì ... (Ảnh do Bộ Tài nguyên - Môi trường cung cấp)
Khá nhiều ý kiến phản đối nhận xét của đoàn khảo sát liên ngành do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, đặc biệt là các ý kiến từ Ban Quản lý Vườn Quốc Gia (VQG) Cát Tiên và các nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về khu vực này.
VQG Cát Tiên lên tiếng
Ông Bạch Thanh Hải, Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, cho biết ông có tham gia chuyến khảo sát nhưng hết sức ngạc nhiên với biên bản đưa ra.
“Đoàn chưa đi hết khu vực dự kiến thực hiện dự án, chính xác là mới đến vị trí xây vai đập, còn vị trí lòng hồ trải dài hơn 20 km sông Đồng Nai với những vạt rừng ven bờ thì vẫn chưa đi tới. Khu vực này có nhiều hình thái rừng: rừng lồ ô xen gỗ, rừng thường xanh, rừng lồ ô thuần loại…, trong đó vẫn còn nhiều diện tích rừng giàu. Tôi khẳng định trong 137 ha VQG Cát Tiên dự kiến sẽ cắt xây thủy điện hoàn toàn không có rừng sản xuất hay đồng lúa nào cả! Ngay cả khu vực xây vai đập mà đoàn đến khảo sát cũng có rừng giàu, rừng trung bình chứ không phải chỉ có rừng nghèo” - ông Hải cho biết.
Riêng nhận xét về rừng điều và ruộng lúa nằm ở vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc địa phận xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, ông Hải giải thích: Đây là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc S’tiêng, Châu Mạ… và đã giao địa phương quản lý về mặt hành chính, không thuộc VQG Cát Tiên.
Theo TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Viện Sinh thái miền Nam, đoàn khảo sát trong 2 ngày chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. TS Long và rất nhiều chuyên gia khác đã tiến hành chuyến khảo sát độc lập đến vị trí dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào tháng 7-2011. Hơn một tuần lễ khảo sát, các chuyên gia nhận thấy dù là rừng thứ sinh nhưng rừng vẫn còn giàu tính đa dạng sinh học và có thể làm nền tảng để khôi phục nguyên giá trị và bảo tồn.
“Chuyện không phát hiện động vật quý hiếm cũng bình thường, đâu phải 1-2 ngày là nhìn thấy, có những loài phải canh chúng cả năm! Trong chuyến khảo sát vừa qua, chúng tôi đã may mắn gặp và ghi lại được hình ảnh nhiều loài quý hiếm như gà so cổ hung, chà vá chân đen, loài lan mới… Trước chuyến đi này, tôi cũng đã nghiên cứu về VQG Cát Tiên hàng chục năm, tôi chắc chắn khu vực này có tính đa dạng sinh học rất cao” - ông Long khẳng định.
... Và rừng có giá trị sinh học cao do TS Vũ Ngọc Long cùng các chuyên gia thực hiện vào tháng 7- 2011. Ảnh: TS Vũ Ngọc Long
Bầu Sấu lâm nguy
Theo TS Phạm Hữu Khánh, chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, đoàn khảo sát cho rằng 137 ha không ảnh hưởng nhiều đến VQG này là rất vô lý. “Cứ cho là rừng nghèo đi nữa nhưng đã là rừng bảo tồn và nằm trong tổng thể khu sinh quyển, nó vẫn có vai trò nhất định, tác động đến toàn khu, cần phải tái tạo, giữ gìn chứ không phải loại bỏ” - TS Khánh phản đối.
Hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không chỉ “ăn” mất phần đất quan trọng của VQG mà còn tác động đến phần còn lại, nhất là khu Ramsar Bầu Sấu, mang tầm quan trọng với cả thế giới. TS Khánh phân tích Bầu Sấu nằm ngay dưới thủy điện Đồng Nai 6, nếu chặn dòng chảy, nước không về được, khi đó Bầu Sấu sẽ biến mất. Hiện nay, thượng nguồn sông Đồng Nai, phía trên Bầu Sấu đã có các thủy điện Đồng Nai 2, 3 và 4 đang hoạt động.
“Trước khi có các thủy điện này, lượng nước về Bầu Sấu vào mùa mưa có biên độ 4-5 m, hiện nay chỉ còn 1-2 m. Trong bầu có rất nhiều cỏ trấp và một số sinh vật có hại nhưng vài năm nay, lượng nước không về nhiều để đủ mạnh đánh dạt cỏ trấp vào bờ nên một số diện tích mặt bầu và lòng bầu đã bị phủ kín, Ban Quản lý VQG đang đau đầu tìm phương án xử lý. Nếu cắt 137 ha VQG để làm thủy điện, hệ sinh thái VQG sẽ bị đảo lộn và không thể phục hồi ” - TS Khánh quan ngại.