Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Mây phóng xạ đến VN không gây hại
Câu hỏi đặt ra là nếu đám mây phóng xạ đến, chúng có thể lan đến vùng nào của nước ta? Theo dõi biểu đồ diễn biến của đám mây phóng xạ đang di chuyển trên Thái Bình Dương, TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học&Kỹ thuật Hạt Nhân, nhận định, đám mây phóng xạ nếu đến chỉ có thể ảnh hưởng nửa phía nam Việt Nam, tức từ miền Trung trở vào.
Đám mây phóng xạ đang có di chuyển xuống phía tây nam Đông Nam Á, ngày càng sát Việt Nam
Cụ thể hơn, mây phóng xạ có đến Việt Nam hôm nay, 25-3, như đài quan sát của NaUy dự đoán hay không? Bộ KH&CN không thấy bình luận gì. Thay vào đó, tổ công tác Bộ KH&CN chỉ nhận định chiều hôm qua: “Theo hình ảnh mô phỏng cho vùng Đông Nam Á, đám mây phóng xạ đang có xu hướng di chuyển xuống phía tây nam đối với vị trí của nhà máy điện Fukushima I”.
Các ý kiến “đến hay không đến” vẫn khác nhau.
Quan chức Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (KTTVQG) vẫn kiên trì quan điểm như trong báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên&Môi trường ngày 18-3. Theo đó, đám mây phóng xạ sẽ không bay đến Việt Nam dựa trên nghiên cứu điều kiện hoàn lưu khí quyển chi phối khu vực phía Bắc Châu Á-Thái Bình Dương từ nay đến hết tháng 4-2011.
Về vị trí địa lý, nước Việt Nam ta nằm ở xa về phía tây nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima (thuộc khu đông bắc Nhật Bản).
Cùng với phân tích về hoàn lưu gió trong thời gian tới, ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTVQG, “khẳng định khu vực Việt Nam không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra”.
Trong khi đó, dựa trên các dữ liệu quan trắc quốc tế về tình hình phát tán chất phóng xạ vào môi trường, đám mây phóng xạ được xác đinh lan tỏa ngày càng rộng. Ngày 21-3, mới thông báo có sáu trạm phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Các trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ này nằm trong mạng lưới quan trắc hạt nhân phóng xạ quốc tế của tổ chức Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện CTBTO. Ngày 22-3, con số thông báo tăng lên 11 trạm. Và ngày 23-3, lên đến 15 trạm, trải ở các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga, và Iceland (Tân Đảo)
Dội hàng nghìn tấn nước vào lò phản ứng
Tình hình ở Nhật Bản có được kiểm soát song “vẫn còn những diễn biến phức tạp”, theo báo cáo chiều hôm qua của tổ công tác của MoST về xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.
Dẫn nguồn tin của Cơ quan An toàn Công nghiệp&Hạt nhân của Nhật Bản (NISA), nhiệt độ vùng hoạt lò tại tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima lúc gần trưa 23-2 đã lên đến gần 400 oC, vượt quá mức thiết kế cho phép là 302 oC. Vì vậy việc phun nước đã được tăng cường để làm mát vùng hoạt của lò phản ứng Tổ máy số 1;
Theo Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản (JAIF), trong số sáu tổ máy ở nhà máy Fukushima, chỉ 1822 thanh nhiên liệu đã cháy ở hai tổ máy số 5 và 6 được xác định không hư hại gì. Tuy nhiên, tổng số 2724 thanh nhiên liệu đã cháy ở bốn tổ máy còn lại vẫn chưa xác định được tình trạng của chúng ra sao, với các cụm từ như “không rõ” và “có thể đã bị hư hại”.
Cho đến ngày 23-3, Sở Cứu hỏa Tokyo và Osaka vẫn tiếp tục chiến dịch phun nước vào tổ máy số 4, nơi có 1331 thanh nhiên liệu đã cháy được nhận định “có thể đã bị hư hại”. Tổng lượng nước mà đội cứu hỏa đã phun là con số khổng lồ.
Tính đến ngày 22-3, lượng nước được phun vào đây là trên 255 tấn. Nhưng tại, tổ máy số 3, nơi có 514 thanh nhiên liệu đã cháy cũng trong tình trạng như tổ máy số 4, lượng nước được phun vào đây còn kinh hơn, lên đến 3.742 tấn nước, gấp hơn ba lần dung tích của bể chứa nhiên liệu đã cháy, vào tổ máy này.
Bên ngoài nhà máy, đồng vị phóng xạ Iodium-131 tìm thấy trong mẫu nước máy lấy ở tỉnh Fukushima với mức độ vượt quá giới hạn cho phép. Mức độ này được là thấp song cơ quan chức năng cũng chỉ dám khẳng định “không gây hại tức thời cho người sử dụng” chứ không đưa ra bình luận gì về tác động lâu dài.
Ngày 22-3, Văn phòng của TEPCO ở Fukushima thông báo các nhân phóng xạ như I-131 và Cs-134, Cs-137 với mức độ vượt quá giới hạn cho phép còn được tìm thấy trong một số mẫu nước từ các điểm trong bán kính 10 km kể từ nhà máy. Vì lý do đó, Bộ Giáo dục Văn hóa Thể thao Khoa học Công nghệ&Môi trường Nhật Bản (MEXT) đã tăng giới hạn khu vực quan trắc nhân phóng xạ trên biển lên bán kính 30 km kể từ nhà máy.
Về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống, MEXT cũng cho phân tích mẫu nước uống để tìm I-131 và Cs-137 tại 47 tỉnh thành của Nhật Bản và phát hiện I-131 hoặc Cs-137 dưới mức cho phép tại bảy tỉnh thành. Không có thêm báo cáo về việc phát hiện phóng xạ trong sữa tươi và thực phẩm.
Nếu đến, sẽ bay qua Trung và Nam Bộ
Mấy mấy lý do chính được Trung tâm KTTVQG viện dẫn gồm, cuối tháng 3-2011 là thời kỳ cuối của mùa đông ở khu vực phía Bắc Châu Á, do vậy hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực này là các hệ thống gió thổi theo hướng từ phía tây sang phía đông. Vì hướng gió chủ đạo có hướng di chuyển từ tây sang đông nên các khối không khí trong khí đoàn cũng di chuyển theo hướng đó, chính vì vậy khó có khả năng để cho các khối không khí chứa các chất bụi lơ lửng (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại và ảnh hưởng tới khu vực Việt Nam. Còn trong tháng 4 và tháng 5-2011, hoàn lưu gió trên khu vực Đông Bắc Châu Á vẫn tiếp tục duy trì di chuyển theo hướng chủ đạo từ tây sang đông. Vì thế, trong thời gian tới không có khả năng những tro bụi hoặc các chất thải độc hại (kể cả bụi phóng xạ) chứa trong các khối không khí có thể di chuyển ngược lại về phía tây và tây nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Châu Á. |