Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
1. Tỉnh có Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên 100 tuổi còn sống nhiều nhất
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cả nước Việt Nam có hàng vạn Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Những người mẹ có con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến được Nhà nước Việt Nam bình chọn và phong tặng Danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Riêng tại tỉnh Long An, trong số gần 2000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, hiện còn sống 150 người, và trong số 150 Bà Mẹ còn sống ấy, có 9 người trên 100 tuổi. Đây là số lượng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên 100 tuổi còn sống nhiều nhất so với các tỉnh khác:
1. Mẹ Nguyễn Thị Huỳnh, sinh năm1910, tại Cần Đước, L.A, có 2 con là Liệt sĩ , được phong tặng năm 1994.
2. Mẹ Nguyễn Thị Hai, sinh năm 1911, tại Cần Đước, Long An, có 3 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
3. Mẹ Lê Thị Lịnh, sinh năm 1910, tại Đức Hòa, Long An, có 3 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
4. Mẹ Lâm Thị Tơ, sinh năm 1907, tại Mộc Hóa, Long An, có 3 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
5. Mẹ Nguyễn Thị Cẩn, sinh năm 1910, tại Tân Trụ, Long An, có 4 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
6. Mẹ Nguyễn Thị Chanh, sinh năm 1909, tại Cần Đước, Long An, có 3 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1998.
7. Mẹ Lai Thị Ngữ, sinh năm 1908, tại Bến Lức, Long An, có 2 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1998.
8. Mẹ Nguyễn Thị Vĩnh, sinh năm 1911, tại Bến Lức, Long An, có chồng và 6 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
9. Mẹ Phạm Thị Chín, sinh năm 1912, tại Bến Lức, Long An, có 3 con là Liệt sĩ, được phong tặng năm 1994.
2. Tỉnh có diện tích vùng đầm lầy sinh học đã được khai thác lớn nhất
Rừng tràm nguyên sinh ở Đồng Tháp Mười
Vùng đầm lầy sinh học là cách gọi ngày nay, trước đây người ta gọi đây là vùng nước nổi, vùng chịu lũ lụt rộng lớn nhất, đó là vùng Đồng Tháp Mười.
Diện tích Đồng Tháp Mười gần 700.000 ha, trải rộng trên phạm vi ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, trong đó tỉnh Long An chiếm một nửa diện tích trên (tức khoảng 350.000 ha). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đồng Tháp Mười là chiến khu, căn cứ cách mạng quan trọng ở miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), ba tỉnh nói trên đẩy mạnh khai hoang, trồng lúa và hoa màu, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới.
Đồng Tháp Mười có sự tương tác giữa các yếu tố tự nhiên như địa mạo, trầm tích, đất, nước và các yếu tố khác, nên đã hình thành nhiều nhóm đất khác nhau. Tại đây, hệ sinh thái rừng tràm chiếm một vị trí đáng kể, các thảm thực vật gồm những cánh đồng hoàng đầu ấn, cỏ năng, cỏ ống, cỏ mồm, cỏ lác… trải rộng khắp vùng này từ xưa, mãi đến bây giờ vẫn còn tìm thấy ở các khu bảo tồn vàvườn quốc gia. Các loài sen, súng và các loài thủy sinh khác chiếm ưu thế ở các vùng đầm lầy sinh học.
Trên địa bàn tỉnh Long An, diện tích Đồng Tháp Mười trải rộng qua 5 huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Các huyện này nhờ phù sa ở Đồng Tháp Mười, hàng năm tỉ lệ năng suất lúa nơi đây cao hơn những nơi khác (không kể những vùng bị ngập úng do nước lũ ngâm lâu).
Với những điều nêu trên, tỉnh Long An là tỉnh có diện tích vùng đầm lầy sinh học đã được khai thác lớn nhất Việt Nam.
3. Di chỉ khảo cổ học tiền sử có tầng văn hóa dày nhất và qui mô lớn nhất Việt Nam
Đó là di chỉ khảo cổ học An Sơn, thuộc ấp An Lợi, xã An Ninh Sơn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, có niên đại cách đây 4000-2500 năm.
Từ năm 1938, di chỉ này đã được ông L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Mấy mươi năm sau, người ta tiến hành những cuộc khai quật với quy mô lớn nhằm nghiên cứu di tích khảo cổ học này. Đó là những cuộc khai quật vào các năm: 1978, 1997, 2004, 2007 và 2009.
Quang cảnh hố khai quật di chỉ An Sơn năm 2004 (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)
Năm 1978 đã mở ra 3 hố khai quật. Tại hố khai quật trên đỉnh gò của di tích, đã phát hiện tầng văn hóa dày gần 5 mét, cùng những bếp than tro và mộ cổ, hơn 500 hiện vật gồm sư tập đồ đá, đồ gốm, đồ xương, sừng, di cốt động vật và hàng chục vạn mảnh gốm đã được tìm thấy.
Cuộc khai quật lần hai vào năm 1997 đã mở 1 hố khai quật và 2 hố thám sát, phát hiện tầng văn hóa dày 4 mét. Hiện vật thu được gồm bộ sưu tập hiện vật đồ đá (rìu, đục, bàn mài), đồ gốm (bát, đĩa, nồi, bình), đồ xương, sừng (lưỡi câu, mũi nhọn, hạt chuỗi)…
Lần khai quật thứ ba (12.2004) đã phát hiện 20 mộ táng, nhiều đồ gốm và công cụ đá đặc biệt. Khai quật lần thứ tư vào tháng 11.2007 phát hiện mật độ gốm dày đặc, nhiều công cụ đá, công cụ xương và đồ trang sức bằng xương, sừng.
Hiện vật làm từ mai, yếm rùa phát hiện tại di chỉ Rạch Núi năm 1978 (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Cuộc khai quật gần đây nhất vào tháng 4.2009, đã phát hiện 7 mộ táng, thu được nhiều mảnh gốm có hình dnág như nồi, bát, cà ràng…, nhiều công cụ đá, xương, sừng và đồ trang sức gồm 132 hạt chuỗi, 1 mảnh vòng bằng ngà, 1 mảnh vòng bằng đá.
Kết quả khai quật cho thấy di chỉ An Sơn thuộc loại hình di chỉ khảo cổ học tiền sử, vừa là di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng có tầng văn hóa dày nhất (4 mét) và qui mô lớn nhất Việt Nam so với các di chỉ khảo cổ học cùng thời.
4. Ngôi chùa duy nhất gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu
Chùa Tôn Thạnh được xây dựng năm 1808 tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.Chùa ban đầu có tên là Lan Nhã, do thiền sư Viên Ngộ sáng lập.
Thiền sư Viên Ngộ, thế danh là Nguyễn Chất, có sách ghi là Nguyễn Ngọc Dót, sinh năm 1786 tại Thanh Ba, Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An. Thuở nhỏ ông theo Nho học, năm 20 tuổi xuất gia tại chùa Vĩnh Quang (Cần Giuộc) với pháp danh là Viên Ngộ. Là một thiền sư có lòng từ bi, hay quan tâm đến cuộc sống của mọi người để giúp đỡ. Thiền sư đã tự mình khiêng đất đá để làm 2 con đường cho dân chúng đi lại.
Chùa Tôn Thạnh
Ngôi chùa do thiền sư Viên Ngộ tạo dựng nên là một ngôi chùa khang trang, bề thế. Tương truyền khi đúc tượng Địa Tạng vương Bồ tát ngay tại chùa, lúc mở khuôn đúc thấy còn khuyết một chỗ trên tượng. Đúc lại lần thứ hai, ngài Viên Ngộ đã chặt đứt ngón tay phải quẳng vào nồi đồng đang sôi. Sau khi mở khuôn đúc, tượng Địa Tạng vương Bồ tát hoàn chỉnh rất đẹp. Pho tượng này hiện nay vẫn còn thờ ở chánh điện của chùa. Năm 1846, lúc ngài Viên Ngộ đúng 60 tuổi, ngài đã nhịn uống nước suốt 49 ngày rồi viên tịch. Hiện nay, trong khuôn viên chùa về phía tây còn có bảo tháp thờ ngài.
Từ năm Kỷ Mùi -1859 đến năm 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đây sinh sống. Bề ngoài, cụ đồ Chiểu mở trường dạy học nhưng bên trong thì cụ làm quân sư, cố vấn cho nghĩa binh chống Pháp. Bài văn tế bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được Nguyễn Đình Chiểu viết tại đây để biểu dương, tưởng nhớ công lao của những nghĩa sĩ đất Cần Giuộc đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Ngoài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, các tác phẩm như: Chạy giặc, Dương Từ Hà Mậu và một phần của truyện thơ Lục Vân Tiên cũng được sáng tác tại chùa Tôn Thạnh. Hiện nay bên trái của chùa có Nhà bia ghi lại công lao của của Nhà thơ và trích đoạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhân là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
5. Nhà cổ trên 100 năm có nhiều cột gỗ nhất
Đó là ngôi nhà hiện tọa lạc tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước tỉnh Long An và được bảo tồn gần như nguyên vẹn, được xây năm 1901 đến năm 1903 thì hoàn thành. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là ông Hội đồng Trần Văn Hoa nên xưa kia người ta thường gọi "nhà ông Hội đồng” hay "nhà ông Cả”, nay thường gọi là nhà Trăm Cột.
Nhà trăm cột
Nhà có diện tích 882m2, nằm trong một khuôn viên sân vườn rộng 4.044m2, chính diện quay về hướng Tây Bắc, thiết kế trong nhà hoàn toàn bằng gỗ: cẩm lai, gõ mật, gõ đỏ… Ban đầu có tất cả 160 cột gỗ, nhưng đến giữa thế kỷ thứ 20, phần nhà làm lẫm lúa phía sau bị tháo dỡ nên hiện nay chỉ còn lại 120 cột gỗ. Mái lợp ngói âm dương, nền bằng đá tảng cao 0,9m, lát gạch tàu lục giác. Nhìn toàn diện, ngôi nhà có kiểu chữ quốc, 3 gian, 2 chái và gồm hai phần: phần trước là phần nội tự - ngoại khách, phần sau là phần để ở và sinh hoạt. Kiến trúc chạm trổ của ngôi nhà: vì, kèo, đòn tay, những tấm ván vách ngăn… cho thấy nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân ngày trước ở vào trình độ bậc cao.
Nhà Trăm Cột đã được Bộ VH-TT công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Đây là ngôi nhà có tuổi thọ trên 100 năm với nhiều cột gỗ nhất Việt Nam.
6. Nơi trồng được một loại gạo thơm, ngon nổi tiếng nhất
Đó là gạo Nàng thơm chợ Đào.
Chợ Đào thuộc địa phận xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Diện tích trồng loại lúa cho gạo Nàng thơm ở xã Mỹ Lệ hiện nay là 450 ha (từ xưa rộng hơn nhưng sau đó thu hẹp dần vì bị lai tạp những giống lúa khác), tổng năng suất của 450 ha này là 1.800 tấn/ một vụ. Đặc biệt gạo Nàng Thơm chợ Đào mỗi năm chỉ trồng được một vụ Đông - Xuân và gieo, cấy, bón phân, phun thuốc… cũng như các loại lúa khác. Đây là loại gạo hạt dài trắng, thơm, dẻo nổi tiếng từ xa xưa được khách du lịch khi ngang qua Long An thường mua về làm quà cho người thân. Giá gạo Nàng thơm chợ Đào hiện nay từ 16.000 – 18.000 / 1kg. 7.
7. Ngọn núi đất nhân tạo đầu tiên do tù chính trị cách mạng đắp
Đó là ngọn núi được đắp bắng đất, đá do bàn tay những người tù chính trị cách mạng thời Ngô Đình Diệm tạo dựng nên tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Được thi công từ năm 1957 do chủ trương của tỉnh trưởng Kiến Tường thời đó là Đinh Văn Phát. Chu vi toàn cảnh Núi Đất rộng trên 1 ha. Lượng tù nhân được điều động đến để tạo sơn nơi đây mỗi ngày lên đến trên 200 người. Mỗi người chuyển 1m3 đất đá mỗi ngày, cứ 2 người vào một kíp để khiêng. Chỉ huy lao động là lực lượng lính Bảo an ở Mộc Hóa. Lịch làm việc rất hà khắc. Sáng từ 7g đến 11g30, sau đó tập trung về trại giam ăn cơm. Chiều từ 1g30 đến 5g30. Nếu như trong ngày, ai khiêng đất, đá không đủ 1m3 thì bị cai tù đánh đập.
Trải qua 3 năm ròng rả (từ 1957 đến 1960) khu Núi Đất với 3 hạng mục: 1 núi lớn, 2 núi nhỏ và hệ thống ao, hồ sen được hoàn thành. Đây cũng là thời điểm Đinh Văn Phát bị đổi đi nơi khác vì tội tham ô và thay vào đó là tỉnh trưởng mới Lê Thành Nhựt. Tỉnh trưởng mới này là người theo đạo Công giáo nên khi về nhậm chức, ông ta cho đặt trên núi lớn một tượng Đức Mẹ cao hơn 2m, hai tượng Thánh Phêrô và Chúa Jésus đặt trên 2 trái núi nhỏ.
Về cấu trúc nghệ thuật của khu Núi Đất thì có hồ sen với một nhà thủy tạ, trên các đỉnh núi trồng các loài cây: keo, bồ kết, điệp vàng, sân, sồi, giáo vàng. Dọc bờ hồ là hàng dương trồng cách khoảng rất đều, bốn góc khuôn viên, tre, trúc. Nhìn tổng thể Núi Đất trông như một hòn non bộ khổng lồ. Núi lớn được đắp bằng đất, đá ong, từ chân lên đỉnh cao gần 9m, có 2 con đường quanh co để lên xuống. Núi nhỏ được cẩn đá xi măng dưới chân núi, từ thân lên đỉnh đắp bằng đất cao 4,5m, với 2 con đường lên xuống có 18 bậc tam cấp.
Có 3 tiểu đảo nối liền nhau bằng một chiếc cầu đúc bê-tông dài 5,80m, rộng 1,20m.
Núi Đất ngày nay trở thành một cảnh đẹp của Đồng Tháp Mười, là những ngọn núi nhân tạo đầu tiên do những người tù chính trị cách mạng đắp nên tại Việt Nam.