Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khủng hoảng tinh thần
Môi trường đại học với cách học rất khác và mới so với thời phổ thông, đòi hỏi SV phải có cách thích ứng và phương pháp học phù hợp. SV phải tự học, tự tìm hiểu và nghiên cứu thêm tài liệu. Khi đã xác định đúng ngành nghề mình mong muốn, nhưng không lên kế hoạch học tập rõ ràng cho bản thân thì rất dễ rơi vào tình trạng chán nản. Nguyễn Thị Tươi, SV Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ: “Mình thường buồn về chuyện học hành, nhiều khi đặt ra mục tiêu mà không đạt được và bỏ lỡ nhiều thời gian cho những việc vô bổ. Lúc đó mình dễ bị khủng hoảng tinh thần, có khi kéo dài nhiều ngày”.
|
Năm đầu tiên thường khiến nhiều SV cảm thấy hụt hẫng, nghi ngờ về ngành học mình chọn. Giảng viên Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Năm đầu tiên bước vào đại học, SV rất háo hức muốn tiếp cận ngay với nghề. Nhưng kiến thức chuyên ngành lại tập trung từ năm thứ hai trở đi, vì thế SV thấy ngành học dở hơn mình tưởng. Lúc đó giáo viên phải giải thích cho SV hiểu còn nhiều điều thú vị phía trước và học là một quá trình lâu dài nên kiên trì theo đuổi”.
|
|
Về tình trạng SV cảm thấy chán nản, xao nhãng việc học, muốn buông xuôi sau một thời gian học, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (chuyên viên tâm lý học đường ở các trường phổ thông tại TP.HCM), giải thích: “Học đại học chỉ là bước khởi đầu để đạt đến mục tiêu ngành nghề sau này, nó đòi hỏi SV phải có ý thức tự giác học tập. Khi không có ai quản lý việc học, SV thường có hiện tượng “nước đến chân mới nhảy”, không có nỗ lực theo đuổi ước mơ thì đến một thời điểm sẽ mất hết niềm hứng thú trong việc học”.
Không chỉ là áp lực học tập, nhiều SV gặp phải trở ngại trong việc thích nghi với môi trường sống phức tạp tại thành phố, xa nhà, các mối quan hệ bạn bè, người yêu. Nhiều yếu tố tác động khiến SV bế tắc, nếu không có sự chia sẻ, động viên từ gia đình, bạn bè thì sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Đinh Thị Vân, SV Trường CĐ Kinh tế - đối ngoại, thổ lộ: “Thời gian mới vào thành phố học, mình nhớ bố mẹ, bạn bè nhiều khi không hiểu ý nhau, dù không nói ra nhưng mình thấy rất bực bội. Những lúc đó tâm trạng mình tệ lắm”.
Vượt qua trở ngại
|
Có nhiều cách để SV thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tinh thần. Một số người tự vượt qua áp lực bằng cách tìm đến những thú vui bổ ích, tham gia các CLB, hoạt động ngoại khóa. Nhưng cũng không ít SV phải nhờ đến sự động viên của những người thân xung quanh, sự tư vấn của chuyên viên tâm lý. Nguyễn Thị Trâm, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình đang tập thói sống vui vẻ mỗi ngày. Những lúc buồn mình thường gọi điện về cho mẹ, chị gái hay nói chuyện với người bạn thân. Đôi khi tìm đọc sách hài hước, sách viết về những người có ý chí vươn lên, câu chuyện ý nghĩa khiến mình thấy trân trọng cuộc sống hơn. Mình cũng hay xem phim hài để được cười, lúc đó nỗi buồn sẽ trôi qua nhanh”.
Tìm đến những công việc yêu thích, dọn dẹp lại phòng ở, tự chuẩn bị cho mình một bữa ăn thịnh soạn, chia sẻ với người bạn mới quen cũng là những cách hữu hiệu để giải tỏa tâm trạng.
Một động lực giúp nhiều SV tìm lại được ước mơ, quay lại đúng con đường mình đã chọn chính là gia đình. Bố mẹ, người thân là người luôn sát cánh cùng con cái. Những lời động viên, sự lắng nghe của họ sẽ giúp SV bình tĩnh trước khó khăn, tháo gỡ được nỗi lòng. Cô Đậu Thị Oanh, phụ huynh một SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Con cô chọn ngành công nghệ thông tin nên học rất khó. Nhiều lúc nó gọi điện về bảo chán, muốn bỏ ngành và thi lại. Lúc đó, cô khuyên nhủ, động viên nó cố gắng học, kiên trì thì sẽ thành công. Năm nào cô cũng vào thăm con, xem tình hình học tập, cũng là cho nó đỡ tủi thân”.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, thời gian rảnh rỗi quá nhiều là nguyên nhân khiến SV tỏ ra buồn chán, dẫn đến những hành động nguy hại. Để tránh tình trạng này, SV nên dành thời gian đó đi làm thêm, vừa kiếm thêm thu nhập vừa có kinh nghiệm cuộc sống. Hoặc đến thư viện nghiên cứu, đọc thêm tài liệu. Những kiến thức chuyên ngành do chính mình mày mò, tìm hiểu sẽ dễ tạo niềm hứng thú trong học tập. Những lúc tâm trạng không tốt, có nhiều chuyện buồn thì nên tìm đến người thân, bạn bè, thầy cô để tâm sự. Chính họ sẽ là người cho SV lời khuyên, hay đơn giản là người lắng nghe câu chuyện của mình. Khi đã chia sẻ được, tinh thần sẽ khá hơn, suy nghĩ tích cực hơn.
“SV cần rèn cho mình kỹ năng hòa hợp với bạn bè trong giao tiếp, ứng xử. Mối quan hệ bạn bè sẽ rất quan trọng đối với mỗi người, đó là nguồn sức mạnh để vượt qua trở ngại, là người chia sẻ, lắng nghe nỗi buồn sống xa nhà của mình”, thạc sĩ Linh khuyên.