Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội rung chuyển mạnh vì nền đất yếu

(23:18:01 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Sở dĩ động đất ở biên giới Lào-Thái Lan có thể gây chấn động mạnh ở Hà Nội là do Hà Nội có nền đất yếu, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nhận định.

>> Động đất ở Thái Lan gây chấn động Hà Nội

 

Trận động đất mạnh 7 độ richter trên vùng biên giới Lào-Thái Lan đêm qua đã gây chấn động đến tận thủ đô Hà Nội đến cấp 3-4.


 

Lúc 8h55 tối qua, 24-3, ông Nguyễn Tấn Vinh (trú ở tầng một, nhà C, Tập thể Dệt kim Đông Xuân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ giường đứng dậy ra bàn máy tính. Định ngồi xuống thì ông bỗng lảo đảo.

 

Nghĩ mình chóng mặt, ông quay lại giường thì vợ ông từ ngoài hớt hải chạy vào báo gương và quạt nhà bên cạnh bị rung lắc. Một nữ công nhân nằm trên giường tầng hai cũng nhảy vội xuống vì chiếc giường đôi cô nằm rung rinh.

 

Tại chân cầu Thăng Long, một nhân viên gác cầu tên Mai Văn Khôi cho biết anh cũng cảm thấy mặt đất rung rung. Tại các khu vực khác như Trung Hòa-Nhân Chính, những người sống từ tầng ba trở lên cũng cảm nhận được sự rung lắc khi thấy cốc chén trên bàn dịch chuyển.

 

 

Một ngôi nhà ở quận Hai Bà Trưng, nơi xảy ra rung lắc mạnh nhất ở Hà Nội hôm qua. Đây cũng là một trong những nơi nền đất yếu nhất của Hà Nội (Ảnh Tấn Vinh)

 

Hà Nội nền đất yếu

 

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nhận định rung lắc như thế tương đương với chấn động cấp 3, cấp 4, theo thang đo MSK (có 12 cấp dùng để đo cường độ, khác với thang đo richter chỉ có chin cấp dùng để đo độ lớn). Và đấy cũng là kết quả đo được tại các trạm quan trắc của Viện Vật lý Địa cầu.

 

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nhận định chấn động ở Hà Nội là hệ quả của một trận động đất xảy ra trên vùng biên giới Lào-Thái mạnh 7 độ richter, cách nhau gần 1000 km. Vùng biên giới này nằm trên đứt gãy Miến Điện-Vân Nam (Trung Quốc), chảy xuống biên giới Lào Thái.

 

Đứt gãy này hoạt động khá mạnh, có thể gây ra động đất mạnh cấp 7,0-7,5 độ richter và, như vậy, mạnh hơn cả đứt gãy hoạt động mạnh nhất của Việt Nam (ở vùng Sơn La, Sông Mã, Lai Châu) vốn chỉ có thể gây động đất mạnh 6,5-7,0 độ richter.

 

Sở dĩ động đất ở xa như thế có thể gây chấn động mạnh ở Hà Nội là do Hà Nội có nền đất yếu.

 

“Yếu nhất là vùng nội thành và phía nam của Hà Nội”, GS Xuyên nói.

 

Do nến đất yếu, mỗi khi xảy ra động đất tuy không lớn, Hà Nội thường bị chấn động tương đối mạnh. Gần đây nhất, năm 1983, Hà Nội bị chấn động cấp 5 do trận động đất mạng 6,7 độ richter.

 

Hồi ấy, “Đang ngủ tôi tỉnh giấc. Chiếc thùng phuy đựng nước nhà tôi ở phố Nguyễn Hữu Huân nước sáng sánh”, ông Vinh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội từ gần 80 năm nay nhớ lại.

 

Ngoài ra, Hà Nội cũng bị chấn động bởi các trận động đất năm 1961 ở tỉnh Bắc Giang mạnh 5,6 độ richter, năm 1958 ở tỉnh Vĩnh Phúc mạnh 5,3 độ richter.


Năm 1953-1954, một trận động đất mạnh chỉ 5,4 độ richter ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nhưng gây chấn động ở Hà Nội tới cấp 8.

 

“Nếu nền đất ở Hà Nội không yếu, chấn động hồi ấy lẽ ra chỉ cấp 7”, GS Xuyên nhận định.

 

Một dự chấn mạnh như thế, cấp 8, ở Hà Nội cũng từng xảy ra từ hơn 800 năm trước đây. Hồi ấy, năm 1285, một trận động đất mạnh 5,5 độ richter đã làm Hà Nội bị chấn động đến cấp 8, làm gãy cả bia đá ở chàu Báo Thiên.

 

Hà Nội có thể động đất mạnh 6,5 độ richter

 

Hà Nội nằm trên đứt gãy sâu sông Hồng, sông Chảy, tuy hoạt động không mạnh bằng các đứt gãy khác ở vùng Tây Bắc song vẫn có thể bị động đất mạnh đến 6,5 độ richter, theo Viện Vật lý Địa cầu.

 

Viện Vật lý Địa cầu phối hợp với Sở Xây dựng và Viện Khoa học Công nghệ&Kinh tế Xây dựng Hà Nội xây dựng bản đồ vi phân vùng động đất tỷ lệ 1/25.000 nhằm phục vụ tính toán thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng.

 

Theo đó, nền đất Hà Nội được chia thành 27 loại nền cơ bản, và đặc trưng dao động của mỗi loại nền được xác định ứng với các chu kỳ lặp lại động đất 200 năm, 500 năm, và 1000 năm.

 

Hà Nội cũng đã xây dựng quy định về việc áp dụng tính kháng chấn cho các công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó hướng dẫn tính toán giá trị các hệ số lấy theo số liệu động đất Hà Nội cho bảy tiêu chuẩn quốc tế và đã được Bộ Xây dựng thông qua.

 

Nhìn chung, vùng đất ở các chuyện Đông Anh và Sóc Sơn được xem là ổn định hơn cả trong khi các vùng đất khác của Hà Nội được đánh giá là không ổn định.

 

Tuy nhiên, thực tế áp dụng thế nào cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình tư nhân, lại chưa có cơ chế giám sát hiệu quả.


Không loại trừ khả năng ảnh hưởng của động đất Nhật Bản

Chưa có bất cứ nghiên cứu nào song GS.TS Nguyễn Đình Xuyên với 40 năm nghiên cứu về địa chất nhận định, về nguyên lý, cơn đại địa chấn ở Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua mạnh 9 độ richter gây sóng thần cao 14 m (chứ không phải 10 m như đánh giá ban đầu) sẽ có ảnh hưởng nhất định đến bảy mảng thạch quyển của Trái Đất. Trong khi vỏ Trái Đất chỉ dày độ 33 km, các mảng thạch quyển dày tới 120 km sẽ bị trận động đất thảm họa với cường độ có thể lên đến cấp cao nhất (cấp 12) làm xô lệch du mức độ tác động khó ghi nhận được. Theo đó, sau động đất ở Nhật Bản sẽ có thể có các trận động đất kích thích ở các nơi khác trên Trái Đất. Tại các đứt gãy nào đó, năng lượng có thể đang được tích lũy gần đến tới hạn.

Dưới sự tác động của trận đại động đất ở Nhật Bản, trạng thái tới hạn có thể đạt đến sớm hơn và, như vậy, xảy ra động đất mà giới chuyên môn gọi là động đất sớm. Tóm lại “mối quan hệ giữa đại động đất và động đất kích thích là chắc chắn có”, Gs Nguyễn Đình Xuyên khẳng định. Song trận động đất tối qua ở biên giới Lào – Thái có phải là động đất kích thích, bị tác động của động đất Nhật Bản, hay không, cần phải có nghiên cứu. Tuy nhiên, GS Xuyên lưu ý, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và vùng biên giới Lào Thái cùng Nhật Bản đều nằm trên cùng một mảng thạch quyển mang tên Á-Âu. Khác chăng, trong khi nước ta và mấy nước kia nằm sâu trong mảng Á-Âu thì xử Phù Tang lại nằm ở rìa mảng này và tiếp xúc với các mảng thach jquyeenr khác.

Theo Quốc Dũng/TP