Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cú sốc... dioxin Tin ảnh

(10:38:46 AM 27/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Ngày 5/9 tới đây, 24 nạn nhân trong số 62 nạn nhân nhiễm chất độc dioxin do sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng sẽ ra điều trị tẩy độc tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội).

Đây là những nạn nhân dioxin mới được công bố sau một cuộc khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm cách đây sáu năm.

 

Thông tin này khiến hàng vạn cư dân sống gần các “điểm nóng” dioxin ở Đà Nẵng bàng hoàng.

 

Người dân vẫn trồng sen trong vùng hồ Xuân Hòa A - nơi được khuyến cáo có thể nhiễm dioxin - Ảnh: ĐĂNG NAM

 

 

Không thể tin được

 

 

Theo PGS-TS Hoàng Mạnh An, xét nghiệm 100% mẫu máu của 62 người dân sống quanh khu vực sân bay Đà Nẵng có nhiễm độc dioxin mới là xét nghiệm khảo sát. Các bệnh nhân nhiễm độc nồng độ cao khi được đưa ra Bệnh viện 103 điều trị sẽ tiếp tục được lấy mẫu máu gửi ra nước ngoài xét nghiệm để có thể đánh giá chính xác được mức độ nhiễm độc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Tạ Bảy - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và nạn nhân chất độc da cam phường Chính Gián (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), qua lấy mẫu máu ngẫu nhiên của 156 trường hợp để xét nghiệm tại phường có đến 28 người bị nhiễm độc dioxin cần phải điều trị. Những người này chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mang trong cơ thể chất độc dioxin.

 

 

Ông Bảy cho biết năm 2006, ông là người dẫn đường cho các chuyên gia y tế của Bệnh viện 103 và Công ty Hatfield (Canada) đi khảo sát, lấy mẫu máu ngẫu nhiên đối với những hộ dân có thời gian dùng nước giếng tại một số nơi trong phường Chính Gián, nơi có dòng chảy từ sân bay Đà Nẵng đổ ra các khu dân cư lân cận. Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều có dioxin trong máu.

 

Cầm danh sách nạn nhân bị nhiễm dioxin có tên cả bốn thành viên trong gia đình, bà N.T.N. bàng hoàng như không tin vào mắt mình. Năm 2006, bốn thành viên trong gia đình bà N. bốc thăm ngẫu nhiên để lấy máu trong Dự án khảo sát và giải quyết ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng (DDAMP). Chuyện lâu tưởng như rơi vào quên lãng thì một ngày giữa tháng 8-2012, gia đình bà nhận được tin sét đánh. Đau đớn hơn, ông V.T., chồng bà, cũng có tên trong danh sách những nạn nhân có dioxin cao. Hai năm sau khi được dự án DDAMP khảo sát (tức năm 2008), ông T. qua đời vì căn bệnh ung thư. Lật lại trong ký ức của mình, bà N. kể: “Những ngày lụt, nước màu đen từ các bàu trong khu vực sân bay tràn ra nơi bà trồng rau muống, cứ sau mưa thì vườn rau muống trụi lá, chỉ còn những cọng to ăn thấy rất giòn”.

 

Cũng như nhà bà N., nhiều gia đình từng sống quanh khu vực sân bay, trước đây có sử dụng nước giếng cũng choáng váng khi biết mình nhiễm dioxin. Phần lớn các gia đình này đều có người mất vì ung thư hoặc bệnh khó chữa.

 

Sau khi nhận được thông báo bị nhiễm chất độc dioxin, nhiều người dân ở phường Chính Gián hết sức lo lắng. Chiều 26-8, ông V.Đ., một người dân vừa nhận được thông báo bị nhiễm chất độc dioxin, nói: “Gia đình tôi thật sự sốc khi cả tôi và vợ được thông báo bị nhiễm dioxin. Đến bây giờ tôi cũng không tin được mình lại mang chất độc này trong người. Trong số danh sách vừa được công bố, dòng họ nhà tôi có đến 18 người bị nhiễm dioxin”. Ông Đ. tâm sự: “Mấy ngày nay, khi báo chí đăng tin về việc nhiều người nhiễm chất độc dioxin, dân khu phố này ai cũng tìm đến nhà tôi để hỏi thông tin. Nhiều gia đình sống xung quanh tỏ ra hết sức lo lắng, muốn đưa con cái đi xét nghiệm. Còn gia đình tôi, cả năm đứa con hiện đang khỏe mạnh nhưng không biết có nhiễm chất độc này không?”.

 

Dù đã được khuyến cáo nguy cơ nhiễm dioxin, nhiều người dân vẫn đánh bắt cá ở các ao hồ gần sân bay Đà Nẵng - Ảnh: ĐĂNG NAM

 

 

Tẩy độc dioxin bằng phương pháp Hubbard

 

 

Động viên người dân bình tĩnh

 

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch UBND phường Chính Gián, cho biết hiện phường mới nắm sơ bộ về sự việc. Khi thấy người dân xôn xao, phường đã chỉ đạo các tổ dân phố động viên, giải thích thật cặn kẽ để bà con trong khu vực bình tĩnh. Theo bà Nguyễn Thị Hiền - chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng, điều đau đớn nhất là những người nhiễm dioxin mới phát hiện lại không có tên trong hội, không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.

Đề cập đến dự án DDAMP, thiếu tướng PGS.TS Hoàng Mạnh An - giám đốc Bệnh viện 103, nơi tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nhiễm dioxin ở Đà Nẵng trong thời gian tới - chia sẻ: “Trong nghiên cứu này, có những người nồng độ dioxin nhiễm trong máu rất cao. Một số người nồng độ không ở mức báo động nặng nề nhưng gia đình lại có những người biểu hiện rõ rệt của di chứng chất độc da cam”.

 

 

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh An, lâu nay ngành y tế vẫn chưa tìm ra được biện pháp giải độc đặc hiệu cho những người bị phơi nhiễm dioxin. Bệnh nhân vẫn được chẩn đoán và điều trị tại cơ sở chuyên khoa hoặc đa khoa tùy vào tính chất, biểu hiện bệnh tật của họ. Gần đây, VN đã ứng dụng phương pháp Hubbard - phương pháp điều trị dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường tiết mồ hôi, tiêu hóa, tiết niệu...

 

Theo kế hoạch điều trị, bệnh nhân sẽ được uống vitamin hàm lượng cao từ sáng sớm, rồi vận động, luyện tập cường độ mạnh trong khoảng 30 phút để mồ hôi toát ra càng nhiều càng tốt, sau đó sẽ được xông hơi nhằm đào thải các chất cặn độc trong cơ thể ra ngoài.

 

PGS.TS Hoàng Mạnh An cho hay những bệnh nhân được chọn ra Hà Nội đợt đầu tiên điều trị theo phương pháp Hubbard là những bệnh nhân có nồng độ dioxin trong máu cao. Việc lựa chọn bệnh nhân theo cách này nhằm hướng đến kết quả điều trị có ý nghĩa khoa học, thuyết phục, là cơ sở để có thể triển khai điều trị đại trà cho những đợt bệnh nhân lớn hơn sau này. “Phương pháp này đã được nhiều nước trên thế giới dùng để tẩy độc cho một số loại bệnh, nhưng việc ứng dụng để tẩy độc cho bệnh nhân nhiễm dioxin thì VN là nơi thực hiện đầu tiên” - PGS An nhấn mạnh.

 

Mục đích của đợt điều trị này không chỉ tẩy độc, làm hạ thấp nồng độ dioxin trong cơ thể từng bệnh nhân mà còn nhằm tạo ra cơ sở khoa học thuyết phục về hậu quả của việc nhiễm độc dioxin sau gần 40 năm cuộc chiến qua đi. Theo các chuyên gia y tế, đây được coi là bằng chứng có trọng lượng cho cuộc đấu tranh giải quyết hậu quả chất độc da cam của VN trong thời gian tiếp theo.

(Theo Đ.NAM - T.TRUNG - H.KHÁ - NGỌC HÀ/Tuổi trẻ)