Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk: "Hệ lụy" từ công trình Thủy điện Ea Kha Tin ảnh

(09:58:47 AM 26/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Cùng với dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, núi Chư Pan và Chư Sray cũng đã tạo được dấu ấn cho riêng mình bằng vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng già, phong phú các loại động - thực vật quý hiếm. Sự độc đáo của con suối Ea Kha nằm vắt mình trên sườn núi như dải lụa, tạo nên một thắng cảnh đẹp, vừa là nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân sinh sống ở dưới chân núi.

 

Tuy nhiên, sự quý giá mà thiên nhiên ban tặng đang dần bị mai một. Những cánh rừng xanh ngắt giờ đây nhiều chỗ trơ trụi hoặc thay bằng những rẫy sắn, nương ngô. Dòng suối Ea Kha ầm ào giờ cạn khô, trơ đá. Nguyên nhân chính dẫn đến sự biến đổi này là do sự xuất hiện của công trình Thủy điện Ea Kha, được xây dựng trên địa bàn xã Yang Mao, huyện Krông Bông. 

Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, năm 2010, Công ty TNHH Hoàng Nguyên đã  xây dựng nhà máy thủy điện có công suất 3 MW, tính riêng diện tích làm lòng hồ chứa, đường lên hồ chứa nước và đường ống đã lấy mất hơn  40 ha rừng.

Đang vào giữa mùa mưa, nhưng hồ chứa thủy điện trên con suối vùng rừng đầu nguồn lượng nước tích được chẳng là bao; dòng kênh dẫn nước cho nhà máy thủy điện không khác gì con kênh của một công trình thủy lợi. Với lượng nước này, nhà máy chưa phải ngừng hoạt động nhưng cũng không thể chạy hết công suất.

Tiểu khu 1117 và 1123 do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, sau khi xây dựng công trình Thủy điện Ea Kha, công tác bảo vệ rừng càng khó khăn do đường lên núi, lên rừng đã rộng mở, thuận tiện để phá rừng làm nương rẫy và ai dám chắc là lâm tặc không lợi dụng điều này để khai thác gỗ trái phép.

Những người có tâm huyết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái không khỏi trăn trở, băn khoăn: Tại sao, một công trình thủy điện chỉ có 3 MW, phải đánh đổi hơn 40 ha rừng mà cũng được đồng ý để xây dựng.

Rừng thì mất, còn người dân địa phương thì đang đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Con suối Ea Kha vốn là niềm tự hào về một thắng cảnh đẹp của người dân Yang Mao, đã từng  được một đơn vị du lịch về khảo sát để làm địa điểm du lịch sinh thái. Đồng thời đây cũng là nơi cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ nước tưới cây trồng cho người dân. Nhưng nay, con suối Ea Kha trên thượng nguồn bị chặn, dòng suối cạn khô, trơ đáy. Hằng ngày, bà con một số buôn đặc biệt là buôn Mghí phải đi lấy nước sinh hoạt từ kênh dẫn nước của nhà máy thủy điện.

 Điều đáng nói, nguy cơ mất an toàn nguồn nước là nhãn tin khi phía trên dòng kênh, hai bên bờ, người dân thường xuyên bơm thuốc diệt cỏ để lấy đất canh tác; bơm thuốc xong xuống kênh súc rửa bình, còn phía dưới kênh người lớn trẻ em vẫn vô tư tắm giặt, lấy nước về ăn uống.

Chẳng biết nguồn lợi mà công trình thuỷ điện này mang lại đến đâu nhưng thực tế nói trên càng đặt ra câu hỏi lớn đối với các ngành chức năng: Có nên làm thuỷ điện bằng mọi giá?

   

Theo Đàm Thuần (báo Đaklak Online)