Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nơi ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn

(00:02:14 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Hai ngày làm cư dân của khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM, địa điểm mà nhiều người bảo rằng đó là nơi ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn, chúng tôi thật sự rơi nước mắt khi nghĩ đến những gì dân ở đây đã chịu trận cả chục năm ròng rã...

Hai ngày làm cư dân của khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM, địa điểm mà nhiều người bảo rằng đó là nơi ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn, chúng tôi thật sự rơi nước mắt khi nghĩ đến những gì dân ở đây đã chịu trận cả chục năm ròng rã...

 

 

Sơ đồ ba con kênh Nước Đen, 19-5, Tham Lương mang ô nhiễm đổ về vùng rốn là khu phố 5 - Đồ họa: Vĩ CƯỜNG

 

Cơn mưa chiều 6/9 không lớn cũng không kéo dài nhưng quá đủ để nhấn chìm khu phố 5. Ngay lập tức, làn nước đen kịt của con kênh Nước Đen như một con quái vật đã tràn bờ, len lỏi bò vào từng con đường, ngõ hẻm. Với những người có chút theo dõi về môi trường ở thành phố này, ai cũng bảo kênh Ba Bò chẳng thấm gì với nơi đây.

 

Ba xôi nhồi một chõ!

 

Trên những văn bản chính thức, Nước Đen là tên con kênh chạy dài từ phường Tân Thành, chảy qua khu vực Phú Thọ Hòa - Tân Quý của quận Tân Phú, xuyên khu Bình Hưng Hòa (nơi có nghĩa trang cùng tên) rồi hợp lưu với kênh 19-5 và kênh Tham Lương ngay bên vách rào bãi rác Gò Cát, quận Bình Tân.

 

Nơi gặp gỡ của ba con kênh vừa kể, những con kênh đều có vấn đề về ô nhiễm, chính là khu phố 5. Đây chính là cái rốn trũng, nơi chất chứa ô nhiễm suốt hơn chục năm qua mà dân phải âm thầm gánh chịu.

 

Ngoài tuyến chính của kênh Nước Đen như kể trên, nước thải của cái rốn này được tập kết từ hai nguồn khác là Khu công nghiệp Tân Bình với các khu dân cư phụ cận đổ ra theo ngả kênh 19-5, và nước thải từ các khu dân cư, các cơ sở sản xuất dọc kênh Tham Lương.

 

Đáng lưu ý, hiện khu vực giáp ranh giữa quận Tân Phú và Bình Tân vẫn còn tồn tại hàng trăm cơ sở dệt nhuộm thủ công và làm nghề tái chế phế liệu, trong đó riêng phường Bình Hưng Hòa A có 156 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

 

Chỉ một đoạn ngắn dọc hai bờ kênh Nước Đen, từ Cầu Trắng (đường Bình Long) đến đường Tân Kỳ Tân Quý, chúng tôi đã đếm được hàng chục cơ sở tái chế phế liệu và hoạt động dệt nhuộm. Nước thải từ các cơ sở này đổ thẳng ra kênh mang một màu đen sệt, hôi thối.

 

Do nằm sâu trong nội địa, cách các con sông lớn đến hàng chục cây số nên khu vực này không chịu tác động của thủy triều. Vì thế nước của các con kênh này cứ lững lờ đong đi, đổ lại và theo người dân địa phương, suốt 10 năm qua chưa giờ phút nào nhìn thấy được làn nước trong.

 

Sống trong sợ hãi

 

Hai ngày cuối tuần rồi chúng tôi đến làm cư dân ở đây để trải nghiệm những nỗi khổ đau mà người dân gánh chịu cả chục năm qua. Vừa đến, khi ấy là chiều 6-9, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là các con hẻm đều ngập ngụa bởi thứ nước hôi thối. Dân không ai bảo ai cứ lặng lẽ khuân vác đồ đạc, tát nước từ nhà ra theo một thói quen đã có tự bao giờ.

 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ nhà 754/37/44 Tân Kỳ Tân Quý mà chúng tôi xin ở nhờ, cho biết gia đình bà đã ở đây 15 năm và cũng chừng ấy thời gian sống chung với ô nhiễm. Ngồi nói chuyện với bà Nguyệt cùng người dân trong xóm, thú thật chỉ mới vài giờ chúng tôi đã mắt hoa, đầu váng!

 

Bà Nguyệt cười bảo: “Nói chú đừng cười, với cái thứ nước ở đây, nhiều phụ nữ khu này bị bệnh mà không ai dám kêu và cũng chẳng biết kêu ai”!

 

Tưởng cũng cần nhắc lại, đây chính là vùng mà cách đây không lâu báo chí báo động về chuyện có nhiều người chết vì bệnh ung thư. Nhớ đến câu chuyện này, chúng tôi hỏi về chuyện nước sinh hoạt của cư dân khu phố 5 được biết hầu hết đều xài giếng đóng!

 

Cầm trên tay ly nước mà bà Nguyệt rót cho, dù đã được trấn an rằng đã lọc mấy lượt rồi mới dám xài nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác ơn ớn. Và không biết có phải vì cảm giác hay sự thật nó là vậy mà khi uống vào có một mùi tanh tanh kỳ kỳ! Thậm chí dùng thứ nước này để đánh răng sáng sớm, bảo đảm ai cũng có một cảm giác nhờn nhợn chứ chưa nói uống.

 

Một đêm rồi cũng trôi qua và sáng sớm thức dậy không hề có một chút sảng khoái vì mùi hôi thối cứ quyện trong không khí suốt 24/24 giờ.

 

Khi từ giã gia đình bà Nguyệt, chúng tôi ra về với hai cái cảm giác lẫn lộn vừa mừng vì gần hai ngày sống ở nơi ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn đã kết thúc nhưng vừa xót xa nghĩ đến những người dân ở đây phải chịu đựng cuộc sống khổ sở không biết khi nào kết thúc!?

 

Chỉ 12 phần trăm dân được cấp nước sạch

 

Theo UBND phường Bình Hưng Hòa A, hiện toàn phường có hơn 15.000 dân, trong đó chỉ có khoảng 12 phần trăm được cung cấp nước sạch. Nguồn nước cho sinh hoạt của người dân khu vực này chủ yếu là nước ngầm. Nước ngầm ở đây đã được Sở Y tế kết luận là tất cả các mẫu nước đều có nồng độ pH thấp và có mùi vị lạ.

 

(Theo Tuổi Trẻ)