Ảnh: bahuan.vn. |
Vụ đông xuân, cả làng xuống đồng giữa trời rét cắt da cắt thịt. Ba má phải thức dậy từ lúc trời còn tối mịt, lục đục sửa soạn cho một ngày gieo mạ. Con mắt nhắm mắt mở ngồi thu lu trong góc, phần vì lạnh, phần vì ngái ngủ. Má dặn con ở nhà ngoan, nhớ mở chuồng gà, khuấy cám cho lợn, cắt cỏ cho bò và… dỗ bé Tí ăn cơm. Con lớ mớ chưa kịp “dạ” thì ba má đã vội vã ra khỏi nhà. Đâu đó còn vọng lại tiếng cọc cạch của chiếc xe đạp cũ kĩ. Âm thanh xa dần, trời vẫn đen thui như hũ nút.
Vụ hè thu, trời nắng như đổ lửa. Con theo ba má xuống đồng để làm chân sai vặt. Được ngồi dưới một bóng cây cổ thụ, con háo hức đợi má lấy nón vẫy vẫy ra hiệu mang nước tới, háo hức đợi ba ngoắt tay làm dấu đem thêm cho ba một bó mạ. Ngồi mát quen rồi, hễ bước chân xuống ruộng là người con đột nhiên co rúm lại, nước như có nham thạch chảy xuống. Ở ruộng bên, bác Phú chợt đọc to: “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Rồi bác hỏi: “Có phải vậy không bé Hoài? Tụi bây muốn thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì chỉ có cách là học cho giỏi, nghe chưa!”. Ba má cười, liếc nhìn con rồi gật đầu.
Lớn lên, con đã có thể giúp đỡ ba má làm đất, nhổ mạ và buộc lại thành từng bó nhỏ. Tưởng là dễ, nhưng mấy vụ lúa đầu con vụng về làm gãy biết bao thân mạ, có khi nhổ lên rồi mà rễ vẫn cắm sâu trong đất. Con vội nhét cây mạ bị đứt rễ xuống bùn nhão. Tối về, ba nói khẽ cho riêng con nghe: “Nhổ mạ khó lắm đấy, con cứ làm từ từ theo sức của mình, đừng lãng phí, dù là một thân mạ nhỏ, con gái nhé”.
Những mùa gieo cứ tuần hoàn từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Con đã biết nhổ mạ rành rọt, cấy lúa thẳng tắp. Dù là ngày buốt giá hay ngày đỏ lửa, chân con bước xuống đồng đã vững hơn, da con nhuộm một màu nâu rám nắng, tóc con cũng hoe hoe theo ánh mặt trời tháng sáu. Má chọc: “Coi bộ con gái mình thành nông dân thứ thiệt rồi. Mai mốt đen thui, đi buổi tối, trai làng muốn 'cưa' cũng không nhìn thấy”. Con chợt chạnh lòng. Hình như ba nháy mắt bảo má đừng đùa nữa.
Con nhớ… Nhớ cái cảm giác hạnh phúc khi bưng bát cơm gạo mới thơm lành có góp sức mình. Một hạt cơm rơi ra ngoài mâm con cũng cố nhặt lên, thổi thổi cho bay bụi bẩn rồi bỏ vào miệng ăn ngon lành. Con nhớ… Sau mỗi mùa gieo, ba chỉ đi khom khom vì lưng đau nhức. Bàn chân của má có lúc phồng rộp, móng vàng khè, kẽ chân sưng tấy lên vì nhiễm phèn.
Con còn nhớ cả vụ mùa khi con học năm ba đại học, mặc dù máy cày đã xào xáo mảnh ruộng nhà mình nhưng ba nói cần phải bừa lại cho tơi đất. Loay hoay mãi vẫn không mượn được con trâu hay con bò nào, gia đình mình lên một phương án thú vị: chặt một thân chuối to dài, buộc dây vào hai đầu và dùng sức người kéo. Con và bé Tí xung phong “kéo cày”. Mấy lượt đi đầu thấy nhẹ nhàng nhưng càng “kéo cày” càng thấy nặng như chì. Mấy bác hàng xóm nhìn hai chị em mà cười ha hả: “Sinh viên đến mùa thi có cày như thế không?”. Con cũng cười nhưng mặt méo xẹo vì mệt.
Ruộng nhà mình giờ đã ít hơn, cũng chẳng ai dại mà đi kéo cày thay trâu nữa. Thấy kinh tế vững lên, mọi người xúi ba má bán ruộng cho nhàn thân. Ba cười: “Còn làm ruộng là còn biết ơn hạt giống, còn quý từng hạt cơm vương vãi trên mâm”. Còn con, mỗi lần nhớ những giọt mồ hôi chan cùng bùn đen, con lại tự nhủ lòng phải vươn lên để đổi lấy nụ cười trong mắt ba má.