Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Chuẩn bị mất 15 năm

(08:33:33 AM 25/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10 - 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại.

 

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân" do Bộ KH&CN phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phối hợp tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội đã đưa ra những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm thực hiện thành công dự án điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai.

 
Theo lộ trình dự kiến, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020.

Theo IAEA, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10 - 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại.
 
Giai đoạn 1 gồm các công tác xem xét trước khi quyết định chương trình điện hạt nhân, gọi là giai đoạn tiền dự án và kết thúc khi có quyết định của Chính phủ cam kết thực hiện chương trình điện hạt nhân.
 
Giai đoạn 2 gồm các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy.
 
Giai đoạn 3 gồm các hoạt động thực thi, xây dựng nhà máy và kết thúc khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.

Ông Alexander Bychkov, Phó Tổng Giám đốc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng hạt nhân IAEA cho rằng: Việt Nam làm điện hạt nhân trong kỷ nguyên hậu Fukushima sẽ gặp một vài thách thức khó khăn.
 
Tuy nhiên, các quốc gia mới thực sự có ý định phát triển điện hạt nhân vẫn coi điện hạt nhân như là một nguồn năng lượng đáng tin cậy và có thể chấp nhận được.
 
Để làm cho xã hội tin tưởng rằng điện hạt nhân là an toàn, an ninh và kinh tế, chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức khác phải phối hợp với nhau trong công việc và quy hoạch.
 
Cơ quan thực thi chương trình điện hạt nhân (NEPIO) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sự phát triển điện hạt nhân ở một quốc gia.
 

Để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, IAEA đã hỗ trợ dự án VIE/4/015 phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm 2 giai đoạn: 2009 - 2011 và 2012 - 2013. Giai đoạn 1 dự án được IAEA tài trợ vốn ODA khoảng 580 ngàn USD và vốn bổ sung từ Quỹ Sáng kiến sử dụng hòa bình của Mỹ khoảng 560 ngàn USD. Giai đoạn 2 của dự án, IAEA hỗ trợ tổng số vốn trên 500 ngàn USD.
(Nguồn: Bảo Khánh - Kiến thức)