Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lý giải việc bướm đêm gây dị ứng cho ngư dân

(07:28:48 AM 23/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Mấy ngày này, ngư dân miền Trung lo lắng vì bị hàng triệu con bướm lạ tấn công khi đang đánh bắt trên biển. Chuyên gia về côn trùng học xác nhận, loài bướm trên thuộc loài bướm đêm với nhiều họ khác nhau như ngài trời, ngài hổ…

 


 

TS Vũ Văn Liên, chuyên gia thuộc Bảo tàng thiên nhiên xác nhận loài bướm qua ảnh do phóng viên chụp được tại các tàu đánh cá "tấn công" người chính là bướm đêm. Con to thuộc họ ngài trời, con nhỏ thuộc họ ngài hổ, ngài đêm...

Các con ngài này bay ra từ đất liền ra biển như từ các rừng cây, vườn cao su hoặc các loại cây khác. Chúng hoàn toàn không thể tự bay từ biển lên.  Hầu hết loài ngài đều thích ánh sáng đèn. Vì thế, vào buổi tối, khi bay ra biển, chúng có xu hướng bay đến với ánh sáng đèn của các thuyền đánh cá.

Về việc đợt này có nhiều con bướm này hơn so với bình thường theo  TS Vũ Văn Liên chính là do thời tiết. Trời nắng ấm xen kẽ mưa làm độ ẩm tăng, tạo điều kiện cho vụ hóa bướm, ngài nở nhiều. Vì đây là điều kiện để trứng, kén phát triển nhanh. Sự đồng loạt nở này đôi khi khiến đàn bướm lên đến hàng trăm, nghìn con.

Đối với côn trùng, phần lớn gây dị ứng như ngứa, mày đay, nổi mụn... là do sâu. Tuy nhiên, có một số loại ngài cũng gây dị ứng, gây ngứa, mề đay. Ngứa xuất phát từ lông và phấn của ngài dính vào da. Biểu hiện của dị ứng do loài ngài tạo nên có thể là nổi mày đay sần sùi hay viêm da. Phản ứng từ ngứa nhẹ đến nặng hơn là nổi mề đay có mụn nhỏ ở da; có thể vừa ngứa, mày đay, có vảy, bỏng rộp, có thể cả mảng lớn.

Để tránh bị loài côn trùng này gây ngứa, viêm da có thể khắc phục bằng cách: Nếu bật đèn điện, không nên đứng gần đèn, không nên cởi trần, cần mặc quần áo dài, đeo khẩu trang kín.

Một vài biện pháp sơ cứu ban đầu điều trị các triệu chứng chung trên bằng cách, cẩn thận nhổ, lấy các lông, phấn dính trên da bằng kẹp hoặc sử dụng băng dính nhẹ nhàng lấy lông, phấn còn lại từ các chỗ bị ngứa. Sau đó, ngay lập tức rửa khu vực với xà phòng và nước. Quần áo bị nhiễm nên được gỡ bỏ và giặt kỹ lưỡng. Khi ngứa, nếu càng gãi có thể sẽ càng gây dị ứng. Không có điều trị cụ thể cho hầu hết các phản ứng sâu bướm và bướm đêm (ngài) nhưng có thể có một vài loại thuốc bôi.
(Theo Kiến thức)