Đó là nhận định của bà Phan Thị Thanh Diễm, giảng viên môn sinh học, Trường đại học Quảng Nam, khi nhận được thông tin về loài bướm gây ngứa cho ngư dân Quảng Nam vào chiều 21/8.
Như chúng tôi đã thông tin, suốt một tuần qua, nhiều ngư dân tại thôn Tân An, xã Bình Minh, H.Thăng Bình hết sức lo lắng khi da bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy do một loài bướm lạ gây ra.
Vì quá ngứa, có người phải gãi đến trầy da, tứa máu nhưng vẫn không hết.
Theo bà Diễm, việc bướm lạ xuất hiện ở các vùng biển có thể là do môi trường thay đổi. “Rất có khả năng, các loài bướm thay đổi để thích nghi với môi trường nên mới mang loại phấn gây ngứa. Chắc chắn là có một chất gì đó tác động đến loài bướm, chẳng hạn như chất thải công nghiệp, chất thải do con người”, bà nói.
Bà Diễm cũng cho biết, có thời điểm xung quanh các khu vực ô nhiễm của các nhà máy công nghiệp có xuất hiện một loài bướm màu đen. Đây là hiện tượng thích nghi theo môi trường của côn trùng.
Loài bướm gây ngứa có thể cũng biến đổi để thích nghi theo dạng này.
Cũng theo bà Diễm, phần lớn phấn bướm gây nên các bệnh hen suyễn, còn phấn bướm gây ngứa thì rất hiếm gặp.
Vì là loài bướm lạ, nên cần phải có tiêu bản để phân tích mới có thể kết luận được.
|
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, nhận định: “Ngứa là do tác động của phấn bướm. Do đó, khi bị bướm lạ chạm vào người, các ngư dân cần uống thuốc và bôi thuốc tránh dị ứng ngay. Ngư dân cần mang theo nhiều thuốc để dự phòng trên các tàu đánh bắt xa bờ”.