Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnhh minhh họa
Theo báo cáo dài 176 trang có tựa đề, Mối liên hệ buôn bán sừng tê giác giữa Nam Phi – Việt Nam: Một sự kết hợp nguy hiểm của thể chế lỏng lẻo, hành vi sai trái của những người trong ngành động vật hoang dã và các tổ chức tội phạm Châu Á, từ năm 2003, những du khách đến từ Việt Nam đã sớm tham gia thường xuyên vào các cuộc “săn bắn giả” nhằm mục đích giành chiến lợi phẩm sừng tê giác tại Nam Phi. Những người này chỉ có hứng thú với sừng tê giác hơn là với cuộc săn bắn; một số người đi săn còn được ghi nhận thậm chí không biết bắn súng.
Tiến sỹ Jo Shaw, cán bộ chương trình của TRAFFIC và là đồng tác giả của bản báo cáo cho rằng, “Cách đây một thập kỉ, đã bắt đầu có những dấu hiện về cuộc khủng hoảng săn bắn trộm tê giác, nhưng khi đó rất ít người tiên đoán được độ lớn và hậu quả của cái mà ngày nay chúng ta phải đối mặt.”
“Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng từ Châu Á, việc người ta sẵn sàng trả giá cao để có được sừng tê giác, và những kể buôn lậu sừng không sợ bị bắt có lẽ đã khiến ‘mặt hàng’ này thu hút sự chú ý từ phía những băng nhóm tội phạm đang ngày càng lớn mạnh, tạo ra một ‘cơn bão hoàn hảo’ cho săn bắn trộm tê giác và buôn bán sừng tê giác.”
Mặc dù Nam Phi đã sớm ban hành hàng loạt các quy định nhằm dập tắt nạn “săn bắn giả”, để đáp trả, những kẻ buôn bán sừng tê giác đầy thủ đoạn đã bắt đầu thuê những người khác, bao gồm các công nhân tình dục người Thái Lan làm “thợ săn”, nhằm lách luật.
Trong khi đó, việc những tên tội phạm chuyển sang các nguồn cung cấp khác cũng đang tăng lên: trong các năm gần đây, có ít nhất 65 chiếc sừng đã bị đánh cắp tại nơi trưng bày công cộng ở Nam Phi và những hành vi trộm cắp tương tự cũng diễn ra tại Mỹ và Châu Âu.
Năm 2009, chính phủ Nam Phi đã ra lệnh tạm ngừng bán sừng tê giác trên phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn những chiếc sừng không được đăng ký ở trong kho, còn được gọi là “sừng ngoài luồng”, bị rò rỉ ra buôn bán – theo Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES), tất cả hoạt động buôn bán thương mại quốc tế các sản phẩm tê giác đều bị cấm. Kể từ đó, những cá nhân trong ngành động vật hoang dã vi phạm pháp luật đã bị kết tội và lĩnh án tù nặng cho hành vi lấy sừng bất hợp pháp của những con tê giác sống rồi bán cho những người mua Châu Á. Vào tháng 4 năm 2012, Nam Phi đã dừng cấp giấy phép săn bắn cho tất cả công dân Việt Nam đồng thời đưa ra các thay đổi khác nhằm thắt chặt những lỗ hổng cho phép “săn bắn giả”.
“Mạng lưới đồng lõa thậm chí đã lôi kéo được một số ít các chủ trại nuôi cho mục đích săn bắn, các thợ săn chuyên nghiệp và các bác sỹ thú y động vật hoang dã, bổ sung thêm một khía cạnh mới mang tính thách thức vào cuộc khủng hoảng săn bắn trộm tê giác,” TS. Shaw cho biết.
Các cán bộ kiểm lâm tại Nam Phi đang đặt mạng sống của họ vào tình huống nguy hiểm để bảo vệ những con tê giác trên lục địa này. Mặc dù ngày càng nhiều nguồn lực được huy động nhằm bảo vệ tê giác Nam Phi, đất nước này đã chứng kiến một sự leo thang nhanh chóng về nạn săn bắn trộm tê giác sống, tăng từ 13 con năm 2007 lên 83 con (năm 2008); 122 con (năm 2009); 333 con (năm 2010) và đạt kỷ lục 448 con năm 2011. Đầu năm 2012, có gần hai con tê giác bị săn bắn trộm mỗi ngày. Tính đến ngày 17 tháng 7 năm nay, tổng số tê giác bị săn bắn trộm là 281 con với con số thiệt hại dự kiến cho cả năm là 515 con, nếu tỷ lệ săn bắn trộm hiện tại còn tiếp diễn.
Nam Phi đã chứng kiến sự gia tăng liên tục hoạt động tội phạm mang tính chất bạo lực, có tổ chức liên quan tới tê giác trong khi các cơ quan chức năng chịu nhiều sức ép, đang chống trả bằng những nỗ lực thực thi pháp luật ngày càng tăng.
Tính đến ngày 17 tháng 7 năm 2012, số vụ bắt giữ (176 vụ) tại Nam Phi liên quan đến tội phạm về tê giác đã lớn hơn tổng số vụ bắt giữ của cả năm 2010 (165 vụ). Từ tháng 5 năm 2012, ngày càng nhiều những kẻ môi giới và những kẻ ở cấp cao hơn trong đường dây buôn bán bị bắt, những kẻ ở cấp cao này bao gồm cả công dân Việt Nam. Các tổ chức tội phạm về tê giác tại Nam Phi có dính líu tới các hoạt động phạm pháp khác như buôn lậu ma túy và kim cương, buôn người và buôn bán bất hợp pháp những sản phẩm từ các loài động vật hoang dã khác như ngà voi và vỏ bào ngư quý.
Trong số 43 vụ bắt giữ người Châu Á được ghi nhận là có liên quan tới các tội phạm về tê giác ở Nam Phi, 24 vụ là người Việt Nam (chiếm 56%), 13 vụ là người Trung Quốc (chiếm 28%), số còn lại là người Thái Lan và người Malaysia. Ngoài ra, có ít nhất ba nhân viên đóng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pretoria từng bị ghi nhận có tham gia buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác, mặc dù vụ gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 2008.
Ở đầu bên kia của đường dây buôn bán bất hợp pháp này, bản báo cáo xác định Việt Nam là thị trường chính, nơi nhu cầu về sừng tê giác tiếp tục gia tăng và những chiếc đĩa có mặt ráp dùng để mài sừng tê giác được bày bán rộng rãi.
Bốn nhóm người tiêu dùng chính sừng tê giác tại Việt Nam được xác định: nhóm quan trọng nhất là những người tin vào đặc tính giải độc của sừng tê giác, đặc biệt sau khi hấp thụ quá mức rượu, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và “cuộc sống tốt”. Những người dùng giàu có này thường mài sừng tê giác và trộn bột sừng với nước hoặc rượu để làm thuốc bổ và thuốc giã rượu.
Sừng tê giác còn được các bệnh nhân ở giai đoạn cuối dùng như một phương thuốc chữa ung thư, họ đôi khi bị những tên “cò” sừng tê giác cố tình hướng tới như một phần của âm mưu tiếp thị vô đạo đức nhằm tăng khả năng sinh lời cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Ông Tom Milliken, chuyên gia về tê giác của TRAFFIC, cũng là đồng tác giả của báo cáo mới này, cho rằng, “Nhu cầu tăng cao đối với sừng tê giác tại Việt Nam không liên quan đến việc đáp ứng các đòi hỏi của đông y, mà nhằm cung cấp một loại thuốc tiêu khiển cho những người chuyên tiệc tùng hoặc để lừa tiền những bệnh nhân ung thư sắp chết về tác dụng chữa trị thần kì của sừng tê giác, điều không bao giờ xảy ra”.
Ông Mavuso Msimang, Trưởng ban các vấn đề về tê giác thuộc Bộ Môi trường Nam Phi, nói rằng, “Nam Phi đang từng bước mở rộng quy mô đối phó với tội phạm về tê giác và có những dấu hiệu cho thấy đất nước này có thể giành phần thắng trong trận chiến”.
“Nhưng chúng ta chỉ có thể chấm dứt nạn săn bắn trộm và buôn lậu nếu chúng được giải quyết cùng với toàn bộ đường dây buôn bán. Chúng tôi hy vọng rằng Nam Phi và Việt Nam có thể chủ động hợp tác nhằm chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác.”