Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Được biết, sáng 15/8, công ty cử 5 công nhân làm vệ sinh trong hầm chứa bột giấy. Hầm có độ sâu khoảng 6m, một tuần trước đó không được sử dụng. Sau khi xuống đáy hầm, các công nhân đồng loạt ngất xỉu. Ngay lập tức công ty đã nhờ đến lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bình Dương đến cứu hộ. Sau gần 2 tiếng thông gió và bơm khí ôxy xuống hầm, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được người bị nạn.
Khi được đưa lên mặt đất thì một nạn nhân đã tử vong, 4 nạn nhân khác gồm các anh: Ngô Văn Nông (SN 1975); Lê Văn Mạnh (SN 1973); Lê Đình Thịnh (SN 1976) và Huỳnh Văn Tân (SN 1990) được chuyển đến bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu. Sau khi sơ cứu, bệnh viện tỉnh Bình Dương đã chuyển các nạn nhân xuống bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Các kết quả kiểm tra ban đầu tại bệnh viện Chợ Rẫy đã loại trừ nguyên nhân người gặp nạn hít phải khí độc hoặc các độc tố có liên quan. BS Hồng Trường nhận định, nhiều khả năng các công nhân bị ngạt là do hầm sâu, lâu ngày không sử dụng nên không có không khí lưu thông đối lưu dẫn đến thiếu ôxy.
Cuối năm 2011 tại bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận hai nạn nhân ngụ tại Long An bị ngạt khí trong khi thông bồn xăng. Hai trường hợp này được đưa đến bệnh viện kịp thời nên đã may mắn giữ được tính mạng.
BS Trường Khẳng định, nếu thiếu ôxy lên não hoàn toàn trong vòng 4 phút, bệnh nhân đã đứng trước nguy cơ tử vong. Do đó, trước khi xuống giếng sâu, hầm sâu đã lâu không sử dụng, người dân cần phải thực hiện các biện pháp thông khí hoặc thử không khí dưới giếng bằng cách cho ngọn nến xuống trước, nếu nến tắt đồng nghĩa với việc không có ôxy, tuyệt đối không nên xuống. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp cận khu vực nguy hiểm thì phải dùng dụng cụ bảo hộ hoặc bình ôxy để tránh điều đáng tiếc xảy ra.