Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công nhân khoan trúng mìn khiến sập hầm thủy điện

(15:57:52 PM 20/08/2012)
(Tin Môi Trường) - "Vừa đặt mũi khoan xuống được vài phút thì nghe tiếng nổ chát chúa, trời đất tối sầm, đất đá ầm ẩm đổ xuống, tiếng kêu la thảm thiết vang lên trong hầm", anh Hoàng Văn Sáng - người thoát chết trong vụ sập hầm kể lại.

 

Là người dân nơi đặt công trình thủy điện Nậm Pông nên anh Sáng (22 tuổi) cùng nhóm thanh niên của xã Châu Hạnh được nhận vào làm công nhân hợp đồng, làm nhiệm vụ khoan nổ mìn để mở đường hầm dẫn nước của thủy điện. Từng tốp công nhân thay phiên nhau đưa máy khoan vào hầm, đặt mìn rồi trở ra để bộ phận khác kích nổ mìn, phá đá. Tham gia việc này còn có một số công nhân Trung Quốc.

Vị trí vụ sập cách cửa hầm khoảng 2 km. Ảnh: P.H
Vị trí vụ sập cách cửa hầm khoảng 2 km. Ảnh: H.T.

 

14h ngày 19/8, sau khi tốp công nhân thứ nhất hoàn thành việc nổ mìn và đưa đất đá ra ngoài, nhóm của anh Hoàng Văn Sáng, Hoàng Văn Vợn, Vi Văn Thắng (đều 32 tuổi), Hồ Sĩ Huynh (24 tuổi) và Trần Đình Duy (22 tuổi) và 2 công nhân Trung Quốc được giao nhiệm vụ đưa máy vào hầm khoan đá, nổ mìn.

 

Khoảng 16h, nhóm công nhân chia thành 2 tốp khoan ở 2 tầng trong hầm. Anh Sáng và một công nhân Trung Quốc cầm mũi khoan ở tầng dưới, những người còn lại làm nhiệm vụ ở tầng trên của vỉa đá trong hầm.

 

Khi chiếc máy khoan đang chạy phành phạch thì tiếng nổ chát chúa bất ngờ vang lên. "Lúc đó trời đất như sụp đổ, mùi đất đá lẫn với mùi thuốc nổ khét lẹt. Tiếng la hét, kêu than vang vọng cả một góc hầm", anh Sáng rùng mình nhớ lại.

 

Sau tiếng nổ vang trời, căn hầm tối om vì mất điện, những khối đá sập xuống đè lấy nhiều công nhân và đống máy móc. Mò được chiếc đèn pin, anh Sáng dìu anh Vợn ra ngoài. Lúc này, nhiều công nhân khác cũng chạy xuống hầm, đào bới đất đá để cứu người. Khi tất cả công nhân được đưa ra ngoài, anh Hồ Sỹ Huynh và Trần Đình Duy đã tử vong do sức ép của mìn và bị đất đá đè lên người.

 

"Lúc đó tôi đang khoan ở tầng phía trên của hầm dẫn nước thì nghe tiếng nổ đinh tai và ngất lịm. Đến khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện cùng với những người khác", anh Vợn kể lại.

 

Nằm cùng phòng với anh Vợn, anh Thắng đang bị choáng với vết thương khá nặng ở đầu. Ngồi bần thần nhìn chồng nằm bất động trên giường, chị Vi Thị Lan nói trong nước mắt: "Khi anh ấy đi làm ca chiều, tôi có linh cảm lạ. Khi mìn nổ thì tôi đang làm rẫy, chân tay khuỵu xuống khi nghe tin chồng gặp nạn trong hầm".

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường sau khi hoàn thành công tác cứu nạn đêm 19/8. Ảnh: Văn Nam.

 

Trong khi nhóm công nhân người Việt Nam được đưa vào bệnh viện đa khoa Quỳ Châu cấp cứu thì 2 công nhân Trung Quốc bị thương nhẹ hơn nhanh chóng rời khỏi hiện trường sau khi được băng bó vết thương.

 

Toàn bộ hiện trường bị cảnh sát niêm phong để chờ điều tra. Theo kế hoạch, chiều 20/8, lực lượng chức năng sẽ vào khu vực hầm sập để khám nghiệm hiện trườn

 

Sáng 20/8, công an huyện Quỳ Châu khám nghiệm tử thi và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình đưa về quê mai táng. UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa có công điện khẩn, đề nghị tạm đình chỉ thi công hầm thủy điện để phục vụ điều tra.

 

Thủy điện Nậm Pông được xây dựng trên khe Pông của huyện Quỳ Châu từ năm 2010 với vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Thủy điện này có công suất thiết kế 30 MW, lượng điện hàng năm phát lên lưới điện quốc gia khoảng 120 triệu kwh với hai tổ máy do đối tác Trung Quốc cung cấp. Theo dự kiến đến quý 1 năm 2013 sẽ vận hành tổ máy số 1 hoà vào lưới điện quốc gia.

 

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, trên công trường thủy điện Nậm Pông có 29 lao động người Trung Quốc đang làm việc. Những người này có giấy phép lao động hợp pháp.

(Nguồn: VnExpress)