Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau khi khởi công vào ngày 10-7, dự án cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức vẫn chưa thể tăng tốc vì gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ phương án xây dựng hầm chui trên xa lộ Hà Nội. Đây là phương án nằm trong tổng thể hoàn chỉnh nút giao Thủ Đức đã từng được Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TPHCM) nghiên cứu trước đó.
Phối cảnh nút giao thông Thủ Đức - TPHCM theo phương án hầm chui
Xem xét lại các phương án
Trước tình hình giao thông phức tạp tại ngã tư Thủ Đức, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất giải pháp tình thế là xây dựng cầu vượt bằng thép dọc xa lộ Hà Nội để “giảm nhiệt” cho khu vực này. Theo thiết kế, cầu dài 570m, rộng 16 m, chia thành 4 làn xe và tuổi thọ 100 năm. Tổng vốn của dự án này là 277 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP.
Tuy nhiên, để bảo đảm mỹ quan đô thị và phù hợp với quy hoạch, UBND TPHCM cho rằng cần phải so sánh, lựa chọn giữa nhiều phương án khác nhau để công trình đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong cuộc họp mới đây về kế hoạch đầu tư xây dựng cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, yêu cầu Sở GTVT rà soát lại hồ sơ nghiên cứu đã có của phương án xây dựng nút giao thông Thủ Đức (bao gồm phương án xây hầm chui hoặc cầu vượt dọc xa lộ Hà Nội, hầm chui hoặc cầu vượt dọc tuyến đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân, hầm chui kết hợp cầu vượt trên xa lộ Hà Nội) để xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Khi trình bày các phương án trên, Sở GTVT cần làm rõ các phương án kỹ thuật, quy mô và thời gian xây dựng, ước tính vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư xây dựng.
Hầm chui, cầu vượt: Cái nào lợi hơn?
Phân tích của các chuyên gia cho thấy ngã tư Thủ Đức là đỉnh dốc hướng từ Bình Thái lên Thủ Đức, vì vậy, việc xây dựng cầu vượt sẽ làm tăng thêm độ dốc của tuyến đường. Độ dốc của cầu vượt dự kiến xây khoảng 5,5%, cao hơn cả độ dốc của cầu Phú Mỹ. Với độ dốc này, xe container, xe tải nặng chắc chắn sẽ phải “bò” khi lên cầu. Trong khi đó, nếu xây hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội thì độ dốc nhỏ hơn 0,5%, an toàn cho xe đi lại. Ngoài ra, địa chất khu vực ngã tư Thủ Đức khá tốt nên làm hầm chui 8 làn xe, chiều dài hơn cả cầu vượt thép cũng chỉ mất khoảng 400 tỉ đồng.
Trong trường hợp xây cầu vượt thép theo hướng xa lộ Hà Nội, giao thông theo hướng Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân sẽ được “giải nhiệt” bằng hầm chui. Tuy nhiên, do hầm chui này đi qua tuyến cống thoát nước D2000 và nằm khá sâu nên phải có trạm bơm đi kèm. Do đó, việc thi công rất phức tạp và tốn kém, chưa kể chi phí bảo dưỡng sau này.
Trước đây, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 đã hoàn tất bước lập dự án nút giao thông Thủ Đức nhưng do TP khó khăn về vốn nên không thể thực hiện. Vì vậy, trong đề án huy động vốn cho các dự án hạ tầng giao thông của TP, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) cũng đã đề xuất làm hầm chui qua ngã tư Thủ Đức theo hướng xa lộ Hà Nội nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trên.
Chi phí làm hầm khoảng 400 tỉ đồng, được gộp vào chi phí xây dựng dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Theo đơn vị này, tiến độ xây dựng hầm chui phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng của quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi mở rộng xa lộ Hà Nội lên 48 m theo quy hoạch, ùn tắc giao thông tại ngã tư Thủ Đức sẽ giảm đáng kể, sau đó, CII tiếp tục thi công 2 nhánh đường song hành để phân luồng xe rồi mới thi công hầm chui. Đơn vị này bảo đảm hoàn thành hầm chui trong vòng 10 - 12 tháng.