Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vĩnh Phúc: Siết chặt quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất Tin ảnh

(08:16:01 AM 20/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhiều khu đô thị, công trình công cộng đã xuất hiện, các trục giao thông lớn được xây mới, nâng cấp. Một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người dân địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Không ít nơi, ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đất đai trước đây vốn màu mỡ nhưng nay lại được san lấp đất sỏi bạc màu lên trên và bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích. Việc quy hoạch rộng, doanh nghiệp “tham” nhận đất rộng để làm mặt bằng sản xuất nhưng không sử dụng hết, gây lãng phí tài nguyên đất vẫn xảy ra ở không ít nơi. 



Ảnh minh họa


Vài năm gần đây trên địa bàn Vĩnh Phúc có không ít cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã quy hoạch, xây dựng mà chưa sử dụng hết quỹ đất. Diện tích bỏ hoang quá nhiều gây bức xúc cho người dân. Điển hình như khu công nghiệp Bá Thiện thành lập từ tháng 12/2007, diện tích được quy hoạch 327 ha, đến nay mới có 53 ha đất được cho thuê và mới có vài nhà xưởng được xây dựng, còn lại là bỏ hoang hoặc khu công nghiệp Khai Quang, thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ 262 ha được điều chỉnh xuống còn 197 ha (giảm 65 ha so với quy hoạch ban đầu). Phần lớn các doanh nghiệp ở đây sử dụng đất lãng phí, gần đây có vài doanh nghiệp phá sản đã trả lại đất cho tỉnh. 


Bên cạnh đó, một thực trạng cũng khiến nhiều người dân quan tâm, đó là nhiều ao, hồ, đầm, sông ngòi ở Vĩnh Phúc cũng đang bị lấn chiếm; việc quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng dẫn đến không ít tổ chức, cá nhân sang nhượng bừa bãi, Nhà nước thất thu thuế tài nguyên và khó khăn trong công tác quản lý, quy hoạch. Điều này cũng khiến cho tình trạng khiếu kiện về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản gia tăng. Từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay, tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 70% tổng số đơn thư khiếu kiện của công dân. Riêng năm 2011, toàn tỉnh có 326 đơn thư khiếu nại và 71 đơn tố cáo về lĩnh vực này.


Gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo đối với công tác này; rà soát lại cơ chế, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý tài nguyên; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai và tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. 


Tuy nhiên, dư luận cho rằng tỉnh Vĩnh Phúc cần kiên quyết hơn, có biện pháp mạnh hơn, đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, cá nhân cố tình “làm xiếc với luật” và kiên quyết thu hồi các “dự án ma”, các thủ đoạn nhận đất mà trong giấy đăng ký khai là làm mặt bằng sản xuất, nhà xưởng sản xuất nhưng thực chất là chờ cơ hội để chuyển mục đích sử dụng và chuyển nhượng để kiếm lời sai quy định.

(Nguồn: TTXVN)